web analytics

May mắn dẫn lối thành công 06/04/2018

(KDTT) – Trong hầu hết mọi trường hợp, nỗ lực của con người mới là yếu tố chính dẫn tới thành công. Nhưng trên thực tế, các doanh nhân thành đạt nhất đều kể những câu chuyện cho thấy rằng nếu không may mắn thì họ rất khó để trở nên đặc biệt!

Có yếu tố phụ thuộc duyên số
Robert Frank là Giáo sư kinh tế tại đại học Cornell, ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu về may mắn, và vai trò của nó trong lĩnh vực kinh tế. Bản thân ông cũng từng được cứu sống từ một tình huống mà nếu không có may mắn thì khó qua khỏi.
“Tôi vẫn còn sống hôm nay hoàn toàn là nhờ may mắn”, Frank chia sẻ.
Robert Frank khẳng định nếu không có may mắn thì khó trở nên giàu có. Ông cho biết cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận những ý kiến phản đối dữ dội. Tổng thống Barack Obama từng bị lên án khi cho rằng người giàu phải nên biết ơn vì nhờ chế độ tại Mỹ mà họ mới có thể phát tài, thậm chí ông còn gọi các tỷ phú, triệu phú là những kẻ may mắn.
Dù vậy, Frank không hề phủ nhận thành quả của người giàu. Cuốn sách mới của ông “Success and Luck: Good Fortune and the Myth of Meritocracy” là một nghiên cứu khách quan về ảnh hưởng của may mắn tới sự giàu có.
Đầu tiên, ông khẳng định trong hầu hết mọi trường hợp, nỗ lực của con người mới là yếu tố chính dẫn tới thành công. Những tỷ phú như Bill Gates hay Warren Buffet không phải lúc nào cũng may mắn. “Rõ ràng là họ đều rất tài năng và chăm chỉ”, Frank cho biết.
Tuy nhiên, dù khái niệm “tự tạo nên may mắn” có thể truyền động lực rất lớn cho con người, thực tế là vẫn có những yếu tố phụ thuộc vào duyên số. Chẳng hạn như cùng sinh vào thập niên 60, Bill Gates lại vô tình được học tại một trong số ít những trường cho phép học sinh thoải mái dùng máy vi tính.
Hay như diễn viên Bryan Cranston vụt sáng thành sao nhờ vai chính trong phim truyền hình Breaking Bad. Ông có được vai này sau khi nó bị hai diễn viên gạo cội John Cusack và Matthew Broderick từ chối. “Bạn có tài năng và lòng quyết tâm, nhưng nếu thiếu may mắn thì bạn cũng chẳng thể thành công”, Cranston phát biểu.
Nếu không có may mắn, liệu Cranston hay Gates có thể trở nên giàu có và nổi tiếng không? Câu trả lời là có. Nhưng luận điểm của Frank là ảnh hưởng của sự may mắn trong nền kinh tế đang dần tăng lên.
Trong suốt hơn 20 năm, Frank đã nghiên cứu những lĩnh vực mà trong đó chỉ số ít cá nhân xuất sắc nhất mới có thể thành công. Kinh tế đang dần trở nên giống âm nhạc và thể thao, nơi mà phần thưởng cho người về nhất cao gấp nhiều lần so với người về nhì và ba.

Đầu tư nghiêm túc để tránh “hên – xui”
Ví dụ, hồi thế kỷ 20, một kế toán chỉ phải cạnh tranh với một vài kế toán khác trong vùng, và hoàn toàn có cơ hội giành được những hợp đồng béo bở. Nhưng giờ đây, họ có nguy cơ thất nghiệp bởi sự xuất hiện của những công ty kế toán toàn cầu, điển hình là TurboTax. Ban đầu, hãng chỉ tung ra vài phần mềm kế toán trên thị trường. Nhưng sau đó, TurboTax dần chiếm được lòng tin của khách hàng và lợi thế cạnh tranh cứ thế tăng lên. Giờ đây hàng nghìn kế toán viên hoàn toàn bị thay thế bởi một công ty.
Ở một thị trường “được ăn cả, ngã về không” như vậy thường có khoảng cách giàu nghèo rất lớn giữa những người may mắn và những người không may. Người thông minh và kiên trì nhưng kém may mắn thì vẫn sẽ phải chật vật, trong khi kẻ may mắn thì có thể đút túi cả triệu, thậm chí cả tỷ USD.
Vậy chúng ta sẽ làm gì khi chẳng thể kiểm soát sự may mắn? Theo Frank, giải pháp duy nhất là đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng công cộng và tất cả những thứ mà chúng ta biết có thể giúp mọi người thành công. Dù điều đó đồng nghĩa với việc thuế cao hơn, nhưng nó cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới người giàu như họ vẫn lo sợ.
Ví dụ, anh muốn lái một chiếc Porsche 150.000 USD trên một đường cao tốc bảo dưỡng tốt, hay chiếc Ferrari 333.000 USD trên đường đầy ổ gà? Câu hỏi này làm nổi lên vài luận điểm. Thứ nhất, mọi người đều sẽ có lợi nếu chúng ta đầu tư vào công trình/dịch vụ công cộng, kể cả người giàu. Thứ hai, hãy nghĩ nhiều hơn đến sự khác biệt giữa một chiếc xe 150.000 USD và xe 333.000 USD.
Việc tập trung của quá nhiều của cải ở tầng lớp trên cùng của xã hội đang tạo nên một cuộc chiến tiêu tiền. Đó là bởi kỳ vọng của con người ngày càng tăng cao. Chẳng ai muốn tổ chức một bữa tiệc 4.000 USD nếu mọi người xung quanh đều chi 100.000 USD.
Dù biết lý thuyết của mình khó được chấp nhận, Frank vẫn tin tưởng nó sẽ đem lại lợi ích cho xã hội. Bởi vậy, ông quyết định sẽ dành toàn bộ thời gian còn lại để giúp cho mọi người nhận thức được may mắn của mình.

Theo: Minh Tuấn / KDPT