web analytics

Mặt trận kinh tế, cuộc chiến mới sau đại dịch 22/04/2020

(KDTT) – Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ bước vào một cuộc chiến mới không kém phần cam go, khốc liệt. Đó là khôi phục lại nền kinh tế vốn đã mỏng manh, giờ lại tổn thương thêm do dịch bệnh. Để bảo an ninh xã hội và an ninh kinh tế cho một đất nước gần 100 triệu dân, cần xác định rõ đâu là lực lượng nòng cốt để vực dậy nền kinh tế.

Xác định đối tượng hưởng hỗ trợ

Đến hôm nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với dịch bệnh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả các doanh nghiệp có vốn hoá ngàn tỷ. Tổng các gói tiền được đưa ra đã gần 600 ngàn tỷ. Chính phủ đang đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công khoảng 700 ngàn tỷ đồng. Tổng số vốn cần phải đáp ứng trong giai đoạn này tương đương 1.300 ngàn tỷ đồng (khoảng 55 tỷ đô la Mỹ). Các khoảng tiền này tương đương với 20% GDP của năm 2019.

Để đứng dậy sau khó khăn, các doanh nghiệp có vốn hoá ngàn tỷ đã và đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ không chỉ bằng tiền mặt mà bằng cả chính sách. Với lực lượng doanh nghiệp lớn như hiện nay, nếu không sàng lọc kỹ đối tượng được thụ hưởng thì gói hỗ trợ doanh nghiệp cùng những cố gắng của Chính phủ sẽ không mang lại hiệu quả.

Chúng ta hiểu rằng, phát triển kinh tế là do cộng đồng xã hội hợp sức cùng doanh nghiệp. Tạo công ăn việc làm để bảo đảm an sinh xã hội và làm ra sản phẩm phục vụ người dân trong nước và xuất khẩu cũng là do doanh nghiệp mà cốt lõi là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong cuốn Sách trắng đầu tiên của Việt Nam ra mắt vào tháng 7/2019 đã cho thấy một bức tranh doanh nghiệp với đầy đủ các gam màu, trong đó khối kinh tế tư nhân xuất hiện với những mảng sáng đầy ấn tượng. Từ chỗ nền kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 42% vào GDP và tạo ra ngày càng nhiều việc làm. Năm 2019, số lao động đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người.

Không chỉ vậy, kinh tế tư nhân được xác định sẽ trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới, là động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cho 10 năm tới đây.

Trong đại dịch Covid-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu, khối kinh tế tư nhân lại tỏa sáng với những đóng góp lớn trên mọi mặt trận dù đang phải đối mặt với tổn thất nặng nề.

Những cái tên như Sun Group, Vingroup, Vinamilk, Hòa Phát, Cen Group… được xem là hậu phương vững chắc khi họ vượt lên những khó khăn nội tại, lan tỏa tinh thần vì cộng đồng bằng nhân lực, vật lực của chính họ để chung tay cùng cả nước chống lại dịch bệnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước thì lâu nay luôn trong tình trạng báo lỗ và đắp chiếu vì thiếu vốn đầu tư, hoặc suất đầu tư gấp 2 doanh nghiệp tư nhân nhưng hiệu quả chỉ bằng nửa doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho thấy, doanh nghiệp nhà nước khó có thể trở thành doanh nghiệp nòng cốt bởi không đủ khả năng để dẫn dắt thị trường và tiên phong trong nền kinh tế của Việt Nam.

Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Có ý kiến cho rằng, trong kế sách phát triển kinh tế sau đại dịch, nên chăng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia trong Tổ tư vấn của Thủ tướng để nói lên tiếng nói của người đang điều hành các công ty, nhà máy, thu hút hàng trăm, hàng ngàn người lao động. Có thể họ không là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam nhưng họ hiểu thực tế hơn ai hết và xứng đáng được thụ hưởng quyền, nghĩa vụ của chính sách. Tuy nhiên, điều mà họ lo lắng nhất cũng chính là những rủi ro về chính sách của Việt Nam.

Kinh tế tư nhân được xác định sẽ trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới.

Trong giai đoạn này, Chính phủ đã có những chính sách, giải pháp phù hợp, nhưng thực hiện chính sách và giải pháp được thực thi thì vẫn là câu chuyện cần bàn.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ không hề đơn giản. Mỗi thành phần kinh tế đều vướng vì các quy định của luật pháp, nghị định và thông tư hướng dẫn.

Có thể đơn cử, chính sách cắt giảm lãi xuất; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Cho vay vốn tái đầu tư sản xuất…là gói hỗ trợ lớn nhất, nhưng càng lớn lại càng khó tiếp cận bởi lẽ, trong giai đoạn dịch bệnh này, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp là rất ít. Không có đơn hàng, đầu vào và đầu ra đền khép kín thì doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Còn để trả lương cho công nhân thì doanh nghiệp sẽ đàm phán với người lao động để cùng chia sẻ trong lúc khó khăn.

Thời điểm này, doanh nghiệp mong muốn được vay tiền với lãi suất thấp, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc ngân hàng. Nhưng ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng phải cân nhắc vì họ là doanh nghiệp kinh doanh tiền bằng nguồn vốn của xã hội. Có chuyện bi hài đã xảy ra với một doanh nghiệp khi đến ngân hàng để xin được vay vốn theo chính sách mới, phía ngân hàng không thực hiện do chưa có thông tư hướng dẫn. Khi có thông tư rồi, doanh nghiệp này lại phải chứng minh thuộc nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng, điều này đã trực tiếp ảnh hưởng luôn đến việc vay vốn, tức là doanh nghiệp bị xếp vào diện không an toàn, và không được cấp tín dụng.

Do đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tung gói hỗ trợ 250 tỷ đồng để gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được bởi các thủ tục rắc rối như báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, chưa kể doanh nghiệp phải chứng minh được thanh khoản của mình… Chính vì thế các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Để giải quyết thực tại thì Chính phủ nên trực tiếp chỉ đạo Kho bạc Nhà nước bơm tiền cho thị trường dựa trên các nghị định và chính sách đã ban hành. Nếu được như vậy mới ứng cứu kịp thời cho doanh nghiệp trong giai đoạn vô cùng khó khăn này để phục hồi sản xuất, bình ổn kinh tế và tiếp tục tăng trưởng.

Dẫu sao, nhìn lại thương trường trong dòng xoáy mùa dịch toàn cầu, có thể thấy, COVID-19 như một “liều thuốc thử”, để thấy sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang như thế nào. Dù biến động, nhưng họ vẫn xoay sở, tin tưởng biến “nguy” thành “cơ”, coi thời điểm “ngủ đông” này là lúc nuôi dưỡng sự nhận thức đủ đầy trong một tầm nhìn dài hạn. Và với hào khí doanh nhân Việt, họ đã sẵn sàng tâm thế để xung kích trong cuộc chiến cam go mới trên mặt trận phục hồi nền kinh tế.

Theo KDPT