web analytics

Masan Tài nguyên – Phát triển công ty đi đôi với phát triển xã hội 29/10/2019

(KDTT) – Ngày nay khi các hoạt động Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp được hưởng ứng mạnh mẽ khắp nơi thì cách thực hiện và hiệu quả của các hoạt động ấy góp phần làm nên thương hiệu của doanh nghiệp. Một trong những cái tên tiêu biểu trong sứ mệnh cống hiến cho cộng đồng chính là Công ty Masan Tài nguyên.

Phát triển mô hình cung ứng địa phương

Hỗ trợ xây dựng các mô hình doanh nghiệp tại địa phương; đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp cung ứng; ưu tiên sử dụng lao động địa phương; thực hiện an sinh xã hội… những cam kết phát triển bền vững của Masan Tài nguyên.

Masan Tài nguyên đã xây dựng và phát triển các mô hình cung ứng địa phương với các tiêu chí: chủ cơ sở/ doanh nghiệp phải là hộ bị thu hồi đất bởi dự án Núi Pháo, phải ưu tiên tuyển dụng lao động là hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Những doanh nghiệp này do chính Masan Tài nguyên hỗ trợ thành lập, đào tạo chuyên môn, an toàn lao động, hỗ trợ vận hành và tiêu thụ sản phẩm.

Người lao động địa phương đang làm việc tại Công ty may bao bì Anh Dương.

Để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài địa bàn, các cơ sở cung ứng địa phương gặp phải không ít khó khăn, hạn chế như: năng lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa dịch vụ, sự chuyên nghiệp, tiến độ giao hàng… Tuy vậy, với mong muốn trao cơ hội mở rộng kinh doanh, có việc làm và thu nhập cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án, Masan Tài nguyên đã kiên trì đồng hành cùng các cơ sở để nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thậm chí trợ giá trong giai đoạn mới thành lập, hỗ trợ tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường (bằng việc hỗ trợ các đợt tham quan học tập kinh nghiệm, tham gia hỗ trợ đàm phán với khách hàng, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng mới).

Cách thực hiện trách nhiệm xã hội của Masan Tài nguyên thể hiện tầm nhìn bền vững, sáng tạo và đặc biệt là gắn liền lợi ích của người dân. Tính từ năm 2012 đến nay, Masan Tài nguyên đã hợp tác và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp cung ứng tại địa phương như công ty bao bì Anh Dương, nhà may Khánh Hiền, Hợp tác xã Vận tải Bình An… Các cơ sở này cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 120 lao động là hộ ảnh hưởng bởi dự án với mức thu nhập bình quân từ 5.5 – 6.2 triệu đồng/ tháng. Đến nay, Masan Tài nguyên đã tạo ra 2000 việc làm tại dự án Núi Pháo.

Với thành công này, rất nhiều mô hình an sinh xã hội của Masan Tài nguyên đã được chính các doanh nghiệp địa phương học tập áp dụng thực hiện vào đơn vị mình và đã được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.

Câu chuyện của Hợp tác xã vận tải Bình An

Là một trong những gia đình chịu sự ảnh hưởng của dự án Núi Pháo, sau một thời gian làm việc tại Masan Tài nguyên, ông Trần Văn Tình đã thành lập công ty cung cấp dịch vụ vận tải Bình An. Ông cho biết: “Xuất phát điểm từ là các gia đình chịu sự ảnh hưởng của dự án Núi Pháo, Masan Tài nguyên đã tuyển dụng để chúng tôi vào làm lái xe cho Công ty. Đến năm 2015, do chuyển đổi cách thức làm việc để phù hợp hơn, chúng tôi đã tụ hội lại thành lập nên một tổ chức để hoạt động nhằm phát huy được sức của mình và mang tính chất cộng đồng, cùng nhau làm việc. Đó chính là Hợp tác xã (HTX) Vận tải Bình An.”

Ông Trần Văn Tình – Giám đốc HTX Vận tải Bình An.

HTX đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Masan Tài nguyên như: ký hợp đồng trọn gói trong công tác vận chuyển cho đến thanh toán tiền xăng dầu, bố trí điểm đỗ, nâng giá thành thuê xe… Qua đó, HTX Vận tải Bình An phục vụ tất cả các hoạt động  như: Đưa đón các CBCNV, các chuyên gia đi lại trong ngày, rồi phục vụ các chuyến công tác.

Qua những chương trình an sinh xã hội thiết thực, Masan Tài nguyên thể hiện một tầm nhìn bền vững, sáng tạo và đặc biệt là gắn liền lợi ích của người dân trong cộng đồng với doanh nghiệp. Đây là điểm rất đáng ghi nhận của Masan Tài nguyên về cách nghĩ và cách làm nhằm đảm bảo công ăn, việc làm và thu nhập cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Đối ngoại Masan Tài nguyên cho biết: “Điều mà chúng tôi tâm đắc và cảm thấy hiệu quả nhất là Masan Tài Nguyên đã biến một vùng đất khô cằn rất khó khăn để phát triển kinh tế trở thành một dự án tầm cỡ quốc tế và tạo việc làm cho khoảng 2000 người có thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/ tháng, trong đó có khoảng 65% là người Đại Từ (những người bị ảnh hưởng bởi dự án),10 % là người Thái Nguyên.”

Theo KDPT