web analytics

Luôn tìm cái mới cho sách thiếu nhi 18/10/2019

(KDTT) – Thời gian qua, có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về sự thiếu vắng những tác phẩm văn học hay và ngày càng ít các nhà văn dành sự tâm huyết để viết cho thiếu nhi. Trong đó, một câu hỏi lớn đặt ra rằng tại sao văn học thiếu nhi Việt Nam lại khó thu hút đối tượng độc giả nhí? Và đội ngũ những nhà văn Việt Nam cần phải làm gì để thu hút được các độc giả nhí?… Để giúp bạn đọc hiểu hơn về hoạt động xuất bản sách văn học cho thiếu nhi trong thời gian qua và các năm tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Huy Thắng – nguyên PGĐ NXB Kim Đồng xoay quanh công việc này.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ những nhà văn viết cho thiếu nhi đang ít dần? Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực tế đã cho thấy, những năm gần đây, đội ngũ các nhà văn sáng tác văn học cho thiếu nhi có giảm so với trước. Điều này đã được công luận quan tâm, lên tiếng. Tuy nhiên, đối với NXB Kim Đồng đã chọn cho mình một cách đi riêng, phù hợp với điều kiện thực tế trong bối cảnh xã hội hiện nay. Những năm qua, NXB Kim Đồng đã phát huy tối đa thế mạnh là đơn vị có truyền thống và bề dày hơn 50 năm làm sách cho thiếu nhi, chúng tôi trước hết dựa vào các tác giả lớn trong nước để có được các tập sách kinh điển có giá trị như: Các tác phẩm kinh điển cho thiếu nhi của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Võ Quảng, Xuân Quỳnh…; các tác phẩm đặc sắc của văn học Việt Nam mà các em được làm quen trong nhà trường, với các tên tuổi như: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam…; các tác giả gần gũi với các em và rất được các em yêu thích như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần…

Có thể kể đến một số tủ sách, bộ sách chính làm nên thương hiệu của NXB Kim Đồng trong những năm qua: Tủ sách vàng – đây là tủ sách quy tụ những tinh hoa của nền văn học Việt Nam và thế giới; tủ sách Thơ với tuổi thơ… giới thiệu với các em các nhà thơ đặc sắc từ cổ đại đến đương đại (từ Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu đến Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng…). Ngoài ra, tủ sách Tuổi mới lớn cũng đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng bạn đọc tuổi từ 14 – 17 hay còn gọi là tuổi “teen”). Tủ sách này được viết bởi các nhà văn chuyên nghiệp cùng sự tham gia của chính các em. Sau gần 9 năm Tủ sách tuổi mới lớn chính thức ra mắt đến nay, đã được xuất bản hàng trăm đầu sách của các tác giả đã thành danh và những gương mặt mới, từ Nguyễn Quang Sáng, Lưu Thị Lương, Thu Trân đến Quế Hương, Phan Hồn Nhiên, Nguyên Hương, Bích Khoa, Bùi Đặng Quốc Thiều, Nguyễn Thúy Loan, Minh Nhật…

Nhiều cuốn trong tủ sách hướng trực tiếp vào lứa tuổi mới lớn này đã được sự thẩm định của thời gian và hy vọng sẽ có giá trị lâu bền đối với các em. Bên cạnh các sách văn học, NXB Kim Đồng còn cho ra loại sách kỹ năng như bộ sách Cẩm nang sống 4 teens (Cẩm năng sống cho lứa tuổi teen – tuổi mới lớn) với các cuốn: Chập chững vào đời; Bật mí những bí mật tuổi teens; Khỏe hơn, đẹp hơn, để teens hơn; Tảng băng chìm với teens… Bộ sách nhằm giúp cho các em có ý thức trách nhiệm trước bản thân mình cũng như nhận thức được những giá trị tốt đẹp như tình cảm gia đình, tình thầy trò để hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thắng – nguyên PGĐ NXB Kim Đồng chia sẻ về mảng sách thiếu nhi hiện nay.
Ảnh: N.Dũng

Lâu nay, sáng tác văn học dành cho thiếu nhi vẫn được xem là mảng “khó nhằn” đối với đội ngũ những người cầm bút (kể cả những nhà văn có thâm niên sáng tác cho thiếu nhi), không xuất hiện nhiều những tác phẩm xuất sắc nên khó thu hút được độc giả nhí?

Tôi cho rằng không hẳn như vậy. Mà ngược lại, sách văn học dành cho thiếu nhi vẫn rất được quan tâm. Số lượng tác giả viết và tác phẩm hàng năm được xuất bản cho thiếu nhi không phải là ít. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, trong những năm qua, hoạt động sáng tác văn học cho thiếu nhi không có nhiều tác phẩm xuất sắc giúp bạn đọc nhìn thấy những đại diện ưu tú của nền văn học nước nhà đạt được tầm như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi… Thực tế cho thấy một cuốn sách có giá trị có thể thay đổi nhận thức hẳn nhận thức của bạn đọc. Xin đơn cử một thí dụ: Cách đây 2 năm (từ 2007), tại Hội chợ sách TP HCM đã xuất hiện 1 tác phẩm không dày về số trang nhưng đã là cái đinh của hội chợ, đó là cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nói thể để thấy thời nào cũng có nhà văn của mình. Với NXB Kim Đồng, bộ sách Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh là bộ sách được bạn đọc hết sức yêu thích, đồng thời cũng là một trong những bộ sách thiếu nhi trong nước có số lượng xuất bản vào loại lớn nhất trong lịch sử ngành xuất bản Việt Nam.

Nhìn nhận một cách nghiêm khắc, sau nhiều năm nền văn học thiếu nhi ra đời, số tác phẩm thực sự đặc sắc chưa nhiều, lại càng khó thấy được những tác phẩm đỉnh cao để có thể coi là đại diện cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam đối với thế giới. Đây là một vấn đề lớn đòi hỏi sự quan tâm của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà văn. Vì vậy, đối với đội ngũ những người sáng tác cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cầm bút; phải có trải nghiệm và tự đổi mới mình, đồng cảm và hiểu về tâm lý các em hơn nữa để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống, thời đại; phản ánh một cách phong phú hơn, cách thể hiện sinh động hơn mới thu hút được bạn đọc trong thời đại internet và công nghệ số hiện nay. Một mặt, các NXB cần có những chính sách phù hợp để động viên, khích lệ những người sáng tác và là “bà đỡ” có uy tín và trách nhiệm nhằm kích thích cho các tác phẩm xuất sắc ra đời. Bên cạnh đó, Hội nhà văn Việt Nam cần phát động các cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi hàng năm nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng cho nền văn học nước nhà.

Vậy để thu hút được các nhà văn và bạn đọc tìm đến với NXB trong bối cảnh hiện nay, các NXB cần có chiến lược cụ thể như thế nào?

Từ nhiều năm qua, NXB Kim Đồng luôn đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện và sự ưu đãi tốt nhất nhằm động viên, khích lệ đội ngũ các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi. Và Kim Đồng đã thực sự trở thành ngôi nhà chung chắp cánh và nuôi dưỡng những tác phẩm văn học cho thiếu nhi có uy tín và chất lượng. Có những nhà văn đã gắn bó cả cuộc đời cầm bút của mình với Kim Đồng để cho ra mắt bạn đọc những đứa con tinh thần tâm huyết nhất của mình. Đồng thời, hàng năm, Kim Đồng còn tổ chức các loại hình sinh hoạt nghiệp vụ dành cho các nhà văn, họa sĩ (trong khuôn khổ dự án văn học Việt Nam – Đan Mạch), nhằm giúp họ có thêm động lực và sinh khí trong hoạt động sáng tác.

Mặt khác, để thu hút được bạn đọc quan tâm đến các đầu sách của Kim Đồng, chúng tôi đang không ngừng tìm tòi để thay đổi hình thức thể hiện trước hết để cho các em thích thú về mặt cảm quan. Dùng hình ảnh trực quan sinh động, dùng hiệu ứng quang học, âm thanh để cho ra các sản phẩm lý thú thu hút các em. Hiện tại, Kim Đồng đang tập trung làm các tuyển tập của các tác giả có tên tuổi lớn; chú ý đến những tác phẩm đặc sắc nổi tiếng hợp với tuổi thơ của các em bằng cách đầu tư có chiều sâu về hình ảnh, giảm bớt những con chữ của tác giả viết ra. Chú ý đến hình thức thể hiện bìa dập nổi giúp các em như có cảm giác sờ vào hiện vật. Trong đó, điển hình là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký được thể hiện dưới nhiều hình thức (thay đổi khuôn khổ, hình thức trình bày, phong cách minh họa…); nhờ đó đã thu hút được đông đảo bạn đọc hơn so với sách chỉ có chữ không.

Theo tôi “Một cánh én chẳng làm nên mùa Xuân”, vì vậy hiện tượng ngày càng có nhiều NXB tham gia làm sách cho thiếu nhi là điều rất đáng mừng. Thực tế đã cho chúng tôi thấy rằng, trong khi nhu cầu xã hội ngày càng phát triển thì việc nhiều Cty tư nhân tham gia làm sách là hoàn toàn phù hợp, giúp cho NXB có cơ hội triển khai những đề tài mong muốn với những đối tác đáng tin cậy.

Theo phapluatxahoi.vn