web analytics

Lặng tâm mùa Vu Lan báo hiếu 06/08/2019

(KDTT) – Những ngày đầu thu, mang theo không khí trầm mặc của một mùa Vu Lan, những người con từ khắp muôn nơi lại hướng vọng về Cha và Mẹ để tưởng nhớ đến công đức sinh thành trời biển của họ. Bởi trong tất cả chúng ta đều hiểu rằng nếu không có sự sinh thành và dưỡng dục ấy thì đâu thể có ta trưởng thành như ngày hôm nay…

Lễ Vu Lan trong văn hoá người Việt

Trong mỗi chúng ta ai ai cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về cuộc đời, nghĩ về cha, về mẹ; những mẹ cha quá cố và những mẹ cha thượng tại. Vu Lan – hai tiếng ấy nghe sao thật thân thương.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên đối với mẹ. Lễ Vu Lan hằng năm diễn ra vào ngày 15/7 (Âm lịch). Qua hàng ngàn năm, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà dường như đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, có ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hóa cũng như đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt. Mỗi mùa Vu Lan lại là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn “Một lòng thờ mẹ kính cha- Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Biết ơn đấng sinh thành

Cổ nhân có câu: “Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục, mùa báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao” như nhắc nhở ta một điều rằng: đã một thời, cha và mẹ đó đã sinh ta, nuôi ta, dạy ta… trưởng thành như ngày hôm nay. Nếu không có cha và mẹ thì còn nói gì đến sự nghiệp, công danh, tiền tài, vợ chồng, con cái… vốn là những cái tạo nên danh phận của con người trong xã hội. Nếu không có cha và mẹ thì còn có ai tồn tại trên cõi đời này nữa đâu. Cha và mẹ đó như thể là trời, là đất, là dưỡng khí, là ánh nắng, là mưa rào, là cọng rau, là ngọn cỏ… để từ đó mỗi người con được sinh ra, được che chở, được nuôi lớn, được thụ hưởng, được thành đạt… trong đời.

Trong lễ Vu Lan thường có một nghi thức đặc biệt mang tên “Bông hồng cài áo. Nghi thức này xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1960. Trong chuyến đi công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹ của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng là biểu tượng cho lễ Vu Lan và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.

Kể từ đó, trong các buổi lễ Vu Lan, mỗi người đến chùa đều không quên cài lên ngực mình bông hồng một cách đầy nâng niu, trân trọng xen lẫn sự xúc động. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời; bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng màu trắng cho những người không còn cả cha và mẹ.

Bông hồng tượng trưng cho tình yêu và sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực một bông hoa ngát hương thể hiện tâm hướng về cha mẹ, cầu mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. “Bông hồng cài áo” như một lời nhắc nhở mỗi người con về đạo hiếu với cha mẹ trong cuộc đời.

Bông hồng tượng trưng cho tình yêu và lòng cầu chúc cha mẹ luôn bình an

Mùa báo hiếu Mẹ Cha

Giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống mưu sinh, đã có lúc ta mải mê chạy theo sự hối hả của cuộc sống, không dành nhiều thời gian quan tâm đến cha mẹ mà quên mất một điều rằng họ đang già đi và yếu đi mỗi ngày. Và mùa Vu Lan này chính là dịp để mỗi người sống chậm lại, suy ngẫm và tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Có nhiều người luôn băn khoăn, trăn trở không biết nên làm gì để thể hiện sự thành tâm báo hiếu trong lễ Vu Lan mà không biết rằng món quà quý giá nhất đối với cha mẹ đó là sự hiếu thảo của con cái. Sự hiếu thảo được thể hiện từ những hành động nhỏ nhất của chúng ta với cha mẹ hàng ngày.

Chỉ là những hành động nhỏ nhưng lại đong đầy tình yêu thương

Theo Sư thầy Đại đức Thích Tâm Nguyên (Chùa Hoằng Pháp- TP.HCM), 5 điều để một người thông thường báo hiếu cha mẹ mà Đức Phật răn dạy, đó là: cung kính, vâng lời cha mẹ; phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu; giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình; bảo quản tài sản do cha mẹ để lại; lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. 5 điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng để thực hiện trọn vẹn là điều không hề dễ dàng, có khi chúng ta dành cả cuộc đời của mình cũng chưa chắc đã hoàn thành bởi

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.

Một mùa Vu Lan nữa lại sắp đến, nỗi đau đáu về chữ “Hiếu” cũng như những suy ngẫm làm thế nào để báo hiếu được cho cha mẹ lại ùa về trong tâm trí của mỗi người con. Có những người thì tất bật chuẩn bị những món quà thật ý nghĩa dành tặng cha mẹ, có người thì lại ôm nỗi tiếc thương cho cha mẹ mình. Vậy nên chúng ta hãy sống làm sao để mỗi ngày đều là ngày Vu Lan, mỗi ngày đều nghĩ về mẹ cha. Một cuộc điện thoại hỏi thăm mỗi tối, những chiều cuối tuần quây quần bên mâm cơm gia đình,… những điều tuy đơn giản như vậy thôi nhưng lại khiến cha mẹ chúng ta cảm thấy hạnh phúc vô ngần.

Theo KDPT