web analytics

Làm sao để MICE cất cánh? 11/04/2019

(KDTT) – Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE) mang lại nguồn thu gấp 6 lần loại hình du lịch thông thường vẫn chưa được khai phá dù Việt Nam có nhiều thuận lợi về danh lam thắng cảnh, di sản đẹp và con người thân thiện, dễ gần.

Tiềm năng lớn

So với các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, Việt Nam có nhiều lợi rất lớn để phát triển du lịch MICE. Cụ thể, Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản đẹp, con người thân thiện, nhiệt tình và một nền ẩm thực phong phú. Thêm vào đó, Việt Nam là một đất nước phát triển và mở cửa nên các hoạt động kinh tế rất sôi động. Trong đó, rất nhiều hội thảo, triển lảm, quảng bá sản phẩm… được tổ chức thường xuyên trong năm.

Tổng cục Du lịch đánh giá thị trường MICE là phân khúc rất tiềm năng mà Việt Nam có thể khai thác và là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành du lịch. TP.HCM và Hà Nội là hai địa điểm có khả năng khai thác thế mạnh này khá hiệu quả. Trong đó, tại TP.HCM, MICE được xác định là một trong bốn loại hình du lịch quan trọng cần phát triển cùng với du lịch mua sắm, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Cùng với TP.HCM, Hà Nội cũng được chọn để tổ chức các sự kiện lớn của khu vực và quốc tế, gắn với nhiều chương trình du lịch. Bên cạnh đó, nhiều khu du lịch nổi tiếng được chọn lựa cho các chương trình du lịch MICE như Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang…

Các doanh nghiệp cho biết, các đoàn khách MICE thường rất đông và chi tiêu cao hơn nhiều so với khách đi tour bình thường. Hiện MICE là loại hình du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch các nước. Theo tính toán, du lịch MICE mang lại nguồn thu cao gấp 6 lần loại hình du lịch bình thường. Theo thống kê của Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan (TCEB), bình quân chi tiêu của một khách MICE tại Thái Lan cao gấp ba lần khách du lịch thông thường, đạt 3.400 USD cho mỗi chuyến đi. Còn tại Việt Nam, mỗi khách MICE châu Âu tiêu đến 700 – 1.000 USD/ngày, khách châu Á hơn 400 USD/ngày. Và hiện nay, có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực MICE, với mức tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.

Sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên đầu tháng 3 vừa qua đang mở ra thêm nhiều cơ hội cho du lịch MICE Việt Nam. Với khoảng 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế đến Hà Nội đưa tin về sự kiện này, trong đó có hàng trăm hãng truyền hình, thông tấn, báo chí. Nắm bắt cơ hội này, ngành du lịch Việt Nam và Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức cho phóng viên tham gia các tour du lịch miễn phí tại Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình. Cùng với đó, hàng ngàn quà tặng, ấn phẩm, dữ liệu quảng bá du lịch Thủ đô và đất nước đã được chuyển đến phóng viên các nước. Những sư kiện như APEC hay hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều là những cơ hội vàng để khách quốc tế biết điểm đến Việt Nam. Thông thường, khoảng sáu tháng đến một năm sau, doanh nghiệp mới có thể thấy rõ tác động cụ thể của sự kiện lên thị trường nhưng những ảnh hưởng tức thời có thể thấy ngay sau sự kiện kết thúc.

Cần giải pháp đồng bộ

Tiềm năng là vậy nhưng du lịch MICE của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Thái Lan. Mỗi năm, Thái Lan đón 35 triệu lượt khách quốc tế trong đó có gần 1,6 triệu khách du lịch MICE. Trong khi đó, năm 2018 lượng hách quốc tế đến Việt Nam chưa bằng 1/2 Thái Lan (khoảng 15,5 triệu lượt) và số khách MICE càng khiêm tốn.

Trên thực tế, ở nhiều nước, các cơ quan chuyên trách với ngân sách từ chính phủ, có chiến lược rõ ràng, sát cánh cùng doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin thị trường, tiếp thị, hỗ trợ kết nối, hoạch định sản phẩm… để nâng cao hình ảnh điểm đến, tạo thêm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Còn tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có động thái mạnh mẽ nào trước sự cạnh tranh gây gắt trong khu vực. Mọi việc chỉ mới sôi động từ phía doanh nghiệp nên hình ảnh điểm đến còn mờ nhạt và dịch vụ dành cho MICE còn manh mún, chất lượng chưa cao.

Ngoài những yêu tố trên, các doanh nghiệp cho rằng, phát triển du lịch MICE trước hết cần phải có những trung tâm hội nghị, triển lãm quy mô lớn. Từ năm 2008 đến nay, du lịch MICE đã được nhiều DN chú ý và hiện tại đã có nhiều khu du lịch MICE như Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang… Và mặc dù có tốc độ phát triển 20%/năm nhưng chỉ có hai thành phố khai thác tốt khả năng này là Hà Nội và TP.HCM. Du lịch MICE có yêu cầu đặc thù về cơ sở hạ tầng, hệ thống các dịch vụ đi kèm cũng như các dịch vụ khác như ăn uống, vui chơi, mua sắm… Tuy nhiên, quy mô đón khách của các doanh nghiệp trong nước vẫn ở mức vài trăm đến dưới 1.000 khách/đoàn nên khó cạnh tranh với các nước xung quanh. Chẳng hạn như với Thái Lan, theo bà Nichapa Yoswee – Phó chủ tịch cao cấp của TCEB cho biết, các đơn vị tổ chức sự kiện của Thái Lan có thể phục vụ một lúc một lượng khách MICE lên đến 50.000 người trong cùng một sự kiện.

Mỗi chương trình du lịch MICE có số lượng khách tham gia rất lớn nhưng số trung tâm có sức chứa lớn không nhiều. Việt Nam chỉ có vài trung tâm có quy mô khoảng 5.000 người như Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Triển lãm Giảng Võ, Triển lãm Sài Gòn. Các khách sạn 5 sao mặc dù được xây dựng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng những sự kiện mang tầm khu vực. Thêm vào đó, mặc dù Việt Nam có nhiều điểm đến phát triển cơ sở lưu trú nhưng lượng chi tiêu của khách MICE chưa nhiều vì thiếu các điểm mua sắm cao cấp. Việc khai thác và phát triển du lịch MICE đòi hỏi có sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, liên kết giữa ngành du lịch với chính quyền địa phương nhằm xây dựng thương hiệu phù hợp với nhiều yếu tố, từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan đến các chương trình du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, điều này vẫn chưa được đầu tư triệt để tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch quốc tế Hòa Bình, du lịch MICE mang lại hiệu quả doanh thu lớn nhờ khách đông, tập trung. Các cơ quan chức năng nên xác định MICE là một ngành mang lại lợi nhuận rất lớn để đầu tư thỏa đáng. Phải có quyết tâm đầu tư MICE trở thành một ngành công nghiệp tiềm năng chứ không phải là một nhánh của du lịch. Trong đó, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, triển lãm, khách sạn quy mô quốc tế đồng thời với việc quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương đến các doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, phải có chiến lược quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương tới doanh nghiệp để thúc đẩy Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch MICE, liên doanh và liên kết đào tạo học viên kỹ thuật… với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển. Để thu hút và phát triển loại hình du lịch MICE của các địa phương cần phải tập trung tăng cường công tác quảng bá tiếp thị du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ hỗ trợ… Đồng thời, Việt Nam cũng phải tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu chiến lược quảng bá du lịch MICE của các nước để làm sao hình ảnh, văn hóa, di sản Việt Nam được tiếp thị chọn lọc, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Hồng Nga

Theo KDPT