web analytics

Làm giàu từ mô hình trồng nấm rơm 04/09/2020

(KDTT) – Nghề trồng nấm rơm ở Hậu Giang đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây, khi người dân áp dụng quy trình thu gom rơm (rạ) và mô hình sản xuất nấm rơm theo tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà đạt kết quả và phát triển kinh tế cao.

Thời gian gần đây, tại Hậu Giang, việc đưa công nghệ cao vào quy trình sản xuất nấm rơm đã góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế và nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, đưa nấm rơm trở thành nguồn thực phẩm sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Trương Văn Ngọc, ở thị xã Long Mỹ, người tham gia mô hình trồng nấm rơm kiểu mới tại Hậu Giang cho biết: “Trước đây, tôi trồng nấm theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất, sản lượng không cao. Năm nay, nhờ áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc trồng nấm rơm, nên có được năng suất nâng cao rõ rệt”.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, mô hình trồng nấm rơm được áp dụng vỉ lót đáy lấy lượng rơm (rạ) sát đất không bị hư, rải vôi sát khuẩn để ngừa nấm dại tấn công, trùm cao su và ống hơi phần rơm ủ để giữ nhiệt độ, độ ẩm, từ đó giúp rơm không bị khô nắng nóng, không làm bốc hơi và không đọng nước ở giữa đống. Với mô hình trồng nấm vỉ chỉ sử dụng 1 lần thuốc cho vào mô rơm ở thời điểm cấy meo giống để bổ sung dinh dưỡng cho rơm, chính từ đó sản phẩm sinh ra nấm sạch hoàn toàn, an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng.

Với đề án quy mô trồng nấm theo kỹ thuật nâng cao như hiện nay, cùng sự tính toán kỹ lưỡng của người dân, mỗi diện tích 250 m2 trong nhà nấm sẽ trồng được 6 vụ nấm/năm; năng suất bình quân từ 800 kg đến 1 tấn thành phẩm/vụ; giá bán dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân còn hưởng lợi nhuận 15 – 20 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy mà nhiều gia đình tại Hậu Giang đã vượt qua khó khăn, người dân trồng nấm rơm ở đây cũng thoát được cảnh nghèo.

Trồng nấm rơm đem lại lợi ích cho người nông dân với vốn đầu tư không cần nhiều, thời gian xoay vòng ngắn, mỗi đợt trồng chỉ khoảng 15 – 20 ngày. Để đảm bảo cho nấm được an toàn, phải chọn đúng vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nấm, thường xuyên tẩy rửa chất phèn, 2-3 ngày xáo trộn rơm một lần, không cần dùng phân bón.

Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, ông Nguyễn Tiến Danh, cho biết: “Nghề trồng nấm rơm góp phần rất quan trọng cải thiện đời sống bà con nông dân, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình và phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững”. Ông Danh mong muốn các hộ dân tại địa phương đẩy mạnh sự liên kết đề án, chủ trương chuyên môn về sản xuất, tạo ra được sản phẩm với số lượng nhiều và đảm bảo chất lượng, nhằm cung ứng đủ cho thị trường, đồng thời góp phần tích cực nâng cao kinh tế phát triển lành mạnh đến các huyện nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.

PHƯƠNG DUNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo KDPT