web analytics

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng nhưng phải đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước 05/11/2019

(KDTT) – Trước thông tin trên một số diễn đàn cho rằng, công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, thậm chí một số Bộ, ngành đưa ra con số các điều kiện được cắt giảm, đơn giản hóa để “lấy thành tích”, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội cho rằng, không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được, tuy nhiên, cũng cần có những thay đổi để công tác này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Theo đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Việt Nam thời gian qua được thế giới đánh giá rất cao, thể hiện qua nhiều chỉ số, như: Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng từ thứ 82 trong năm 2016 lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc hay Diễn đàn kinh tế thế giới trong “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019” đã xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ 77 hồi năm 2018 lên 67 trong năm nay.

“Đây là nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có ngành Công Thương” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói và cho rằng, trong thực tiễn, không phải cứ cắt giảm, xoá bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) là tốt mà cần phải tăng cường công tác hậu kiểm. Và đây cũng là một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng được Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện trong quá trình rà soát, xem xét trước khi cắt giảm, xoá bỏ các ĐKKD, cụ thể là “Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các ĐKKD”.

Cũng theo đại biểu Ngân, cùng với việc cắt giảm ĐKKD thì việc tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng được xem là yếu tố then chốt quyết định thành công. Ông Ngân cho rằng, nếu ĐKKD quá rễ rãi cũng có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng vi phạm pháp luật, làm xáo trộn môi trường kinh doanh theo hướng bất lợi.

Dẫn thực tế từ tình trạng nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động hoặc hoạt động một thời gian rồi “biến mất” dẫn đến việc Nhà nước thất thu thuế, đại biểu cho rằng, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Cùng đó, khi xem xét cắt giảm ĐKKD trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kình tế thế giới, nhất là trong điều kiện chúng ta đã và sẽ tiếp tục tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa và song phương, thì việc xem xét tuân thủ các cam kết chung là quy định bắt buộc. Và như vậy, cần có lộ trình cho việc nghiên cứu, soát xét, đối chiếu để các điều kiện kinh doanh khi cắt giảm, đơn giản hoá tương thích với các quy định chung của quốc tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Cũng đánh giá rất cao kết quả công tác CCHC, cắt giảm ĐKKD của Chính phủ, các Bộ, ngành thời gian qua, PGS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – khẳng định, hiệu ứng tích cực có thể nhận thấy là tạo ra động lực phát triển, thúc đẩy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, không phải tất cả các Bộ, ngành đã thực hiện nghiên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc cắt giảm, xoá bỏ các ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Trước ý kiến trên môt số diễn đàn cho rằng công tác cắt giảm, xoá bỏ ĐKKD nói chung, của ngành Công Thương nói riêng chưa thực chất và chạy theo thành tích, đại biểu Cường chỉ rõ, đánh giá kết quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh không nên đơn thuần là đếm xem có bao nhiêu ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hoá mà quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả từ việc cắt giảm, đơn giản hoá mang lại cho người dân doanh nghiệp.

“Do đó, trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong thời gian tới không nên ép các cơ quan quản lý nhà nước cắt giảm thủ tục hành chính hay ĐKKD theo cách đếm đầu việc mà cần đánh giá hiệu quả mang lại cho xã hội khi thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá” – Đại biểu Cường nêu định hướng và lưu ý, với các chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh thì độ trễ chính sách rất ngắn, khác hẳn với chính sách trong đầu tư. Thậm chí, những doanh nghiệp hiện nay có đủ khả năng phân tích, lường trước những tác động từ sự thay đổi của chính sách kinh doanh để kịp thời thay đổi chiến lược kinh doanh của mình.

Vì vậy, trước khi các Bộ, ngành thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá ĐKKD nhất thiết phải nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều, “cân đo” lợi ích và hệ luỵ để có quyết định phù hợp với thị trường và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Cắt giảm, đơn giản hoá ĐKKD nhất thiết phải nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều để phù hợp với thị trường và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước.

Theo Báo Công thương điện tử