web analytics

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Dự kiến xem xét thông qua 6 dự án Luật 19/04/2019

(KDTT) – Tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Dự kiến, Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2019, bế mạc ngày 13/6/2019; xem xét thông qua 6 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết…

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo Quyết định của UBTVQH và đề nghị của Chính phủ, cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7 có sự điều chỉnh. Cụ thể, đề nghị bổ sung vào chương trình 4 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Cùng với đó, 3 dự án Luật được đề nghị rút khỏi chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để tiếp tục hoàn thiện.

Ngoài ra, rút Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2018 để chuyển sang báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 cùng với Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Đến nay, các dự án, dự thảo trình Quốc hội đều đã được UBTVQH cho ý kiến, trong đó có dự án Luật được trình UBTVQH đến 2 lần. 2 dự án Luật đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Đối với 8 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, 2 dự án trình tại phiên họp tháng 3/2019, còn 6 dự án và các nội dung về giám sát chuyên đề, chương trình giám sát của Quốc hội được trình tại Phiên họp thứ 33 của UBTVQH.

Đối với chương trình giám sát, UBTVQH thống nhất lựa chọn 2 nội dung chuyên đề để trình Quốc hội lựa chọn vào Kỳ họp thứ 7. Đó là, “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”; “việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Quốc hội sẽ chọn 1 trong 2 nội dung này để tiến hành giám sát tối cao. Nội dung còn lại sẽ giao cho UBTVQH thực hiện việc giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các dự án Luật cần phải sửa đổi khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 dự kiến 19 ngày, trong đó, xây dựng Luật: 9,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 7 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua: 2,25 ngày.

Theo Báo Tin tức