Kinh tế nước ta trong năm nay 2022 và năm sau 2023 sẽ phục hồi như thế nào nếu dòng tiền tiếp tục ào ạt chảy vào bất động sản và chứng khoán theo cách như hiện nay? Tiền đang chảy nhiều vào bất động sản, phần lớn không phải vì chúng đã được bổ sung giá trị, mà vì chúng sẽ tăng giá. Tiền đổ vào chứng khoán phần lớn cũng tương tự như vậy: không phải vì các doanh nghiệp ăn nên, làm ra, mà vì giá cổ phiếu sẽ tăng. Chuyện đổ tiền vào bất động sản, vào chứng khoán như nói ở trên có vẻ ít giống với hoạt động đầu tư, mà giống hơn với hành vi đầu cơ hoặc đánh bạc. Đầu cơ và đánh bạc không giúp tạo ra bất kỳ một thứ giá trị hoặc một thứ của cải vật chất nào, nhưng chúng lại hoàn toàn có thể tạo ra bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán. Vào một ngày đẹp trời những thứ bong bóng này có thể sẽ nổ tung, gây ra nhưng hệ lụy khôn lường.
Tuy nhiên, vấn đề là thu hút đầu tư cho bất động sản, cho chứng khoán vẫn rất cần thiết. Thị trường bất động sản ngưng trệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế. Bởi vì rằng, hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm các ngành nghề có liên quan khác sẽ bị ảnh hưởng; hàng triệu việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp cũng sẽ liên lụy. Điều tương tự chúng ta cũng có thể nói về thị trường chứng khoán. Để thị trường được vận hành thông suốt, các nguồn lực được huy động tối đa cho việc phát triển kinh tế, xã hội, thì kỷ cương, phép nước ở đây phải được bảo đảm, mọi sự gây méo mó cho sự phát triển lành mạnh của thị trường phải được loại trừ. Tăng cường phòng chống tham nhũng và khống chế sự thao túng thị trường chính vì vậy là nhiệm vụ quan trọng không kém để phục hồi kinh tế. Đây cũng chính là tầm nhìn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong một thời gian ngắn, Thủ tướng đã đưa ra hàng loạt các chỉ đạo nhằm tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và ngăn chặn những hành vi gây nhiễu loạn thị trường. Đó là ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kít xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, là Công điện chỉ đạo việc rà soát, xem xét xử lý vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, là ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra để phòng chống tham nhũng trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương…
Để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa nới lỏng, gói chính sách tiền tệ nới lỏng, gói chính sách thể chế nới lỏng. Tuy nhiên, khi mọi thứ được nới lỏng, thì có một thứ cần phải thắt chặt- đó chính là kỷ cương. Một “gói kỷ cương thắt chặt” quả thực đang là gói chính sách thứ tư được Thủ tướng Chính phủ triển khai.
Kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy mọi sự nới lỏng đều rất dễ bị lạm dụng. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận ra và sớm có nhiều chỉ đạo qua các thông báo kết luận, các chỉ đạo… và trong các phiên họp, các buổi làm việc, ông đều nhắc nhở nghiêm khắc về việc cương quyết phản đối lợi ích nhóm, cương quyết xử lý nếu có tham nhũng tiêu cực trong thực hiện chính sách và cả xây dựng chính sách. Tiền từ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có thể chạy lòng vòng gây ra lạm phát, mà không được rót vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính sách bù lãi suất không làm cho tín dụng trở nên bớt đắt đỏ, mà chỉ làm cho một số người giàu sụ lên nhờ được chia chác từ tiền bù lãi suất. Chính vì vậy thiếu “gói kỷ cương thắt chặt”, ba gói chính sách nới lỏng nói trên sẽ rất dễ bị trục lợi, mà như vậy thì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội chưa chắc đã đạt được.
Ngoài gói, “chính sách kỷ cương thắt chặt”, một gói chính sách khác có lẽ cũng đang được Thủ tương Chính phủ quan tâm. Đó chính là “gói chính sách” liên quan đến việc tăng cường sự liêm chính. Khi sự nới lỏng về thể chế cho phép người đứng đầu được chỉ định thầu, thì lạm dụng quyền năng này để trục lợi không chỉ dễ dàng, mà còn “hợp pháp”. Ngăn cản hành vi trục lợi như vậy ở đây có lẽ sự liêm chính là quan trọng nhất. Nếu sự liêm chính ngự trị trong nền quản trị của chúng ta, thì mọi sự nới lỏng sẽ chỉ tạo cơ hội, mà không tạo kẽ hở. Các chi phí cho hoạt động kiểm tra, thanh tra… cũng sẽ được cắt giảm, nhờ đó gánh nặng cho người dân, cho nền kinh tế cũng được cắt giảm, sự thịnh vượng đạt được cũng dễ dàng hơn.
Cuối cùng, các gói chính sách tài khóa, tiền tệ và thể chế nới lỏng là rất cần thiết để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng cần thiết không kém là các “gói chính sách” về kỷ cương và liêm chính. Nếu các gói chính sách tài khóa, tiền tệ và thể chế nới lỏng là điều kiện cần, thì các “gói chính sách” về kỷ cương và liêm chính mới là điều kiện đủ.
Bạn đang đọc bài Kỷ cương, liêm chính và sự phục hồi kinh tế tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com
Theo KDPT