Báo cáo nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn mới đây cho thấy chỉ số hạnh phúc của công nhân lao động là 6,9/10 điểm.
Kết quả cho thấy chỉ số hạnh phúc của người lao động ở Việt Nam được tính dựa trên thang điểm 10. Theo đó chỉ số hạnh phúc chung của người lao động trong báo cáo đạt 6,9/10, tăng so với năm 2020 nhưng không nhiều (6,54/10 điểm). Cụ thể chỉ số hạnh phúc ở từng đối tượng người lao động có sự khác biệt. Trong đó, có 6,92/10 cán bộ công chức thấy hạnh phúc, viên chức là hơn 6,9/10; và 6,89% công nhân lao động là thấy hạnh phúc.
Trong số 3 chỉ số trên thì chỉ số mức độ hạnh phúc của lao động về mức độ hài lòng về quan hệ gia đình – xã hội là cao nhất với 7,45/10. Tiếp đó là mức độ hài lòng về đời sống cá nhân với hơn 6,9/10. Mức độ hài lòng về các yếu tố kinh tế, vật chất, môi trường tự nhiên thấp nhất chỉ với 6,36/10. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động không cảm thấy hạnh phúc về các khoản thu nhập, tiền lương và thấy rằng những khoản thu nhập này chưa đảm bảo cho họ có một cuộc sống thoải mái.
Thông qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận những mong muốn của người lao động về việc được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có môi trường làm việc tốt, không bị xúc phạm. Đồng thời họ mong được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; mong Nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu, tiền lương cơ sở; mong muốn có đời sống văn hóa tinh thần tốt…
“Đây là vấn đề rất quan trọng, đã đến lúc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có nghiên cứu chiến lược hơn, bởi lẽ đây không phải là khảo sát thành tích mà là khảo sát chỉ số hạnh phúc của đoàn viên, từ đó giúp đoàn viên, lao động cảm thấy hạnh phúc. Làm thế nào để sau 5 năm nhìn lại người lao động phải hạnh phúc hơn, có niềm tin về tương lai hơn. Ai cũng mong muốn có cuộc sống hạnh phúc hơn. Sống mà không cảm thấy hạnh phúc thì con người sẽ như thế nào?”, Trần Thanh Hải – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi.
Câu hỏi của ông Hải về việc “không cảm thấy hạnh phúc thì con người sẽ như thế nào”? cũng là câu hỏi mà những người lao động và người sử dụng lao động quan tâm. Nếu không hạnh phúc thì người lao động sẽ cống hiến thời gian, sức lực của mình như thế nào cho doanh nghiệp?
Do đó, đây không chỉ là vấn đề của cá nhân người lao động mà còn là vấn đề của doanh nghiệp.
Nếu nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp có khả năng giữ được người nhiều hơn. Ngược lại, thương hiệu doanh nghiệp trở nên nổi bật, cũng sẽ giúp thu hút nhân sự nhiều hơn và dễ hơn, hẳn nhiên trong số đó không thiếu những nhân sự tài năng. Tất nhiên, trong quá trình này, doanh nghiệp không phải là bên duy nhất được lợi. Hành trang, kinh nghiệm sống và kết nối xã hội của người lao động cũng được tích lũy và tăng thêm nhanh chóng. Đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Rõ ràng, nhân sự, hay nói rộng hơn là nguồn nhân lực, là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp thành công trên thị trường. Có nhiều cách thúc đẩy động lực nhân sự như tạo động cơ trực tiếp thông qua cơ chế lương thưởng, nhưng cách tạo ra sự gắn kết thì không có mẫu số chung, mỗi doanh nghiệp có một kiểu làm riêng. Dù vậy, điểm chung cần có là bước đi lâu dài chứ không chỉ xây dựng kế hoạch cho một vài năm đầu tiên.
Hạnh phúc của người lao động đang làm việc chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có 7 yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất, đó là: Cảm hứng trong công việc, Mối quan hệ với lãnh đạo, Mối quan hệ với đồng nghiệp, Sự công nhận, Cơ hội thăng tiến, Lương và phúc lợi, Cân bằng cuộc sống và công việc.
Người lao động hạnh phúc khi được làm việc trong môi trường năng động, công ty thấu hiểu và chia sẻ thì họ luôn đồng hành cùng công ty vượt qua mọi khó khăn, cống hiến hết mình vì sự phát triển chung của công ty. Bởi vì, công ty càng phát triển, giá trị văn hóa công ty càng cao, giá trị người lao động khi làm việc tại công ty cũng được nâng tầm.
Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, hy vọng các doanh nghiệp sẽ thấu hiểu được người lao động, để cùng nhau xây dựng thương hiệu, cùng nhau hạnh phúc.