web analytics

Kinh tế châu Á đang tiệm cận suy thoái vì Covid-19? 17/03/2020

(KDTT) – Theo tờ Nikkei Asia Review, năm 2020 mới trôi qua được gần ba tháng, song 4 nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á đã rơi vào tình trạng lao đao, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề.

Trung Quốc – khách hàng chủ chốt của khu vực – có mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm do tác động của các mức thuế trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Trước đó, cả Bắc Kinh, Tokyo, New Delhi và Seoul đã bước vào năm 2020 với những lăng kính màu hồng. Có hy vọng rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ lắng dịu trong năm nay, và ngay cả khi tình hình dịch Covid-19 đã trở nên xấu đi trong tháng Hai, các thị trường vẫn hầu như không biến động.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong tuần này. Sự gia tăng đột biến của các trường hợp mắc Covid-19 ở nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Italy và rồi Mỹ, cùng với các số liệu sản xuất tồi tệ ở Trung Quốc đã dẫn tới sự sụt giảm mạnh nhất trên các thị trường chứng khoán kể từ năm 2008. Một cú sốc khác cũng đến từ thị trường dầu mỏ khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến về giá với Nga. Tại CHDCND Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đang khiến tình hình khu vực trở nên tồi tệ bằng vụ thử tên lửa.

Một nhân tố khiến các thị trường biến động mạnh như vậy là số liệu về các nền kinh tế lớn nhất châu Á. Năm ngoái, Trung Quốc – khách hàng chủ chốt của khu vực – có mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm do tác động của các mức thuế trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kể từ đó, ngành công nghiệp nước này đã rơi vào tình trạng tồi tệ. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành công nghiệp của Trung Quốc đã tụt xuống mức 35,7 điểm trong tháng 2/2020, mức thấp nhất trong lịch sử.

Trong quý IV/2019, tình hình kinh tế của Nhật Bản còn tồi tệ hơn so với nhiều người nghĩ. Nền kinh tế nước này tăng trưởng -7,1%, cao hơn so với con số -6,3% mà Văn phòng Nội các Nhật Bản ước tính ban đầu, một phần do tác động của việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10/2019. Bên cạnh đó, các số liệu về xuất khẩu của nước này kể từ đầu năm nay cũng cho thấy sự suy giảm.

Trong khi đó, Ấn Độ đã kết thúc năm 2019 với mức tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm, trong khi ngành ngân hàng ốm yếu của nước này sẽ có thể ghi nhận một năm 2020 đầy sóng gió. Tại Hàn Quốc, Ngân hàng trung ương nước này đã dự báo nền kinh tế lớn nước này sẽ tăng trưởng âm trong quý I/2020.

Có thể thấy, châu Á đang đối phó với dịch Covid-19 từ một vị thế yếu. Các nền kinh tế mở và linh hoạt như Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan hay Việt Nam đều đang phải đối mặt với sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Indonesia, Thái Lan và Philippines đang chứng kiến sự suy giảm của khách du lịch nước ngoài và dòng tiền kiều hối. Điều này cũng đồng nghĩa châu Á có thể sẽ có một năm đầy hiểm nguy hơn so với thời điểm 2008.

12 năm trước, những tác động tiêu cực của cú sốc tài chính mang tên Lehman Brothers không kéo dài ở châu Á, nhờ các chính sách kích thích kinh tế quyết liệt của Bắc Kinh. Năm 2009, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8,7% và nhờ vậy, phần còn lại của châu Á tránh được những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng đó giờ đang “loạng choạng”.

Thông thường, sự sụt giảm mạnh nhất của giá dầu thô kể từ năm 1991 sẽ có lợi cho việc cắt giảm thuế. Tuy nhiên, việc giá năng lượng sụt giảm, ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến về giá giữa Moscow và Riyadh, lại đi kèm với sự sụt giảm của nhu cầu ở Trung Quốc.

Một vấn đề khác vào thời điểm này đó là ngày càng có ít đòn bẩy chính sách được đưa ra. Vào tháng 10/2008, một tháng sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng 7 năm. Đó chỉ là mức giảm nhỏ, từ 0,5% xuống 0,3%. Tiếp đó, BoJ đã giảm lãi suất chuẩn xuống còn 0% và thậm chí xuống ngưỡng âm. Khi thị trường rung lắc và đồng Yen tăng giá, Thống đốc BoJ dường như không còn công cụ chính sách nào.

Khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm vào tháng 10/2008, lãi suất mục tiêu là 5%. Giờ đây, lãi suất chuẩn của BoK chỉ là 1,25%, khiến cho ngân hàng trung ương này hầu như không còn công cụ chính sách tiêu chuẩn nào.

Với hơn 7.500 trường hợp mắc Covid-19, nhu cầu nội địa ở Hàn Quốc đang giảm mạnh. Điều này khiến cho chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, cũng giống như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo, đang phải soạn thảo các kế hoạch kích thích tài chính.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đang gây ra sự sụt giảm đột ngột nguồn nhân lực, nhu cầu, và sự di chuyển của lao động và hàng hóa. (Nguồn: Reuters)

Châu Á đang tiến tới hoặc tiệm cận suy thoái trong những tháng sắp tới. Nhật Bản, Hàn Quốc và các đầu tàu kinh tế khác sẽ phải hành động táo bạo và chủ động để bảo vệ nền kinh tế. Các chính trị gia, với hàng loạt chính sách tài khóa, cần phải dẫn dắt ngân hàng trung ương. Các nhà cải cách cần phải thực hiện những thay đổi mang tính cơ cấu để tăng sức cạnh tranh và sự sáng tạo.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cần phải chuẩn bị cho những bất lợi gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu, chi tiêu của Chính phủ và đầu tư của tư nhân đều đang trong xu hướng giảm, báo hiệu sự suy yếu hơn nữa, bất chấp việc Trung Quốc đã bơm hàng chục ngàn tỷ USD tín dụng vào nền kinh tế kể từ giai đoạn 2008-2009.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đang gây ra sự sụt giảm đột ngột nguồn nhân lực, nhu cầu, và sự di chuyển của lao động và hàng hóa. Gói kích thích mới sẽ không có tác dụng mạnh nếu không đủ lớn và không có sự hợp tác của các nước láng giềng.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cảnh báo rằng những cú sốc sắp tới có thể sẽ khiến các quốc gia trên khắp thế giới gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân túy… Chín tháng sắp tới có thể sẽ thực sự rất dài đối với các nhà lãnh đạo châu Á.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam