web analytics

Kinh doanh hàng xách tay vẫn âm thầm hoạt động 10/11/2020

(KDTT) – Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 15-10-2020. Nhưng, trên nhiều diễn đàn online, hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn âm thầm diễn ra…

Thử tìm hàng xách tay

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “hàng xách tay” trên mạng, thì ngay lập tức đã có 48.200.000 kết quả. Rất nhiều link dẫn thẳng đến những shop quảng cáo công khai bán hàng xách tay, hàng tự nhập trực tiếp từ nước ngoài trên mạng. Tại một số hội nhóm chuyên bán hàng xách tay, không khó để người tiêu dùng có thể tìm mua các mặt hàng từ sữa bột, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… được nhập khẩu theo đường xách tay từ nước ngoài về.

Hỏi mua sữa bột từ một địa chỉ cửa hàng bán online các mặt hàng sữa ngoại nhập trên mạng xã hội, chủ cửa hàng cho biết, bán đầy đủ các loại sữa ngoại như sữa Morinaga còn khoảng 320 nghìn đến 490 nghìn đồng/hộp tùy trọng lượng, hay sữa Meiji hộp 800g xách tay trực tiếp từ Nhật Bản loại cho trẻ dưới một tuổi có giá khoảng 470 nghìn đến 550 nghìn đồng/hộp, rẻ hơn hàng chính hãng đến cả trăm nghìn đồng.

Có cầu ắt có cung, người tiêu dùng vẫn có thể mua khiến thị trường hàng xách tay cả online và offline đều âm thầm hoạt động.

“Hàng xách tay giá nó sẽ rẻ hơn một chút, lên facebook nó cũng rẻ hơn vì không có tiền mặt bằng… Với cả nếu được review mình cũng nghĩ là đảm bảo chất lượng rồi”, chị H (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ về việc hàng xách tay vẫn âm thầm được không ít người tìm mua.

Nhu cầu của người dân đối với việc sử dụng hàng xách tay cũng đang trở thành một thói quen mua bán khó bỏ. Không chỉ dùng hàng xách tay cho mình mà mua cả cho con, chị L (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, các mặt hàng quần áo cho trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp, thuốc cho con… là những sản phẩm chị hay mua từ nguồn hàng xách tay.

Đặc biệt, thời gian này cũng đang có các chương trình giảm giá lớn nên gần như mấy tháng nay đều mua sắm nhiều hơn với mục đích để sử dụng dần.

“Tôi không biết đến quy định cấm mua bán hàng xách tay. Thực tế, tôi vẫn thích hàng xách tay hơn hàng nhập khẩu vì cảm giác tin tưởng hơn”, chị L cho biết.

Để lách luật, hiện có một số cửa hàng đã kín đáo hơn khi sử dụng ứng dụng “nhóm kín” trên facebook để kinh doanh. Theo đó, khi vào nhóm khách hàng sẽ được hỏi cửa hàng tư vấn về hàng hóa với cam kết là hàng chính hãng nhập khẩu từ nước ngoài về, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán.

Theo quy định, việc bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng. (Ảnh: N. Đăng)

Đã có chế tài, nhưng vẫn cần nâng cao nhận thức

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Nếu là hàng nhập khẩu cần phải nắm vững các quy định về danh mục hàng cấm nhập khẩu để tránh trường hợp nhập vào mà hải quan không cho vào được. Buôn bán hàng đó cần tiểu thương kiểm tra kĩ giấy phép nhập khẩu, hàng hóa mình buôn bán và kiểm tra về tem và nhãn. Quy định chứng từ hóa đơn phải tìm hiểu cho đúng, trường hợp nhà phân phối không cung cấp cũng không nên buôn hàng này”.

Dù đã có sự khác biệt so với Nghị định 185 trước kia và có chế tài xử phạt nặng hơn nhưng luật sư cũng cho rằng, chế tài xử phạt theo Nghị định này với mức cao nhất khoảng 200 triệu đồng vẫn chưa đủ sức răn đe, với những hành vi vi phạm buôn bán hàng xách tay nhập lậu giá trị lớn.

Luật sư Nguyễn Trọng Việt cho biết: “Việc tăng mức xử phạt này sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc kiểm soát kinh doanh hàng xách tay, bởi với lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm này từ những cơ sở lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại”.

Kinh doanh hàng xách tay có giá trị đến 100 triệu đồng mà không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan thì sẽ bị phạt 200 triệu đồng là nội dung trong Nghị định 98 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức.

Có thể thấy, thời gian qua, lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm.

Đặc biệt, hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở.

Do đó, theo các chuyên gia, một mặt cần nâng cao xử phạt, mặt khác, cần các giải pháp kiểm soát chặt hơn với các tài khoản bán hàng online và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

NGUYỄN ĐĂNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh-hang-xach-tay-van-am-tham-hoat-dong-216696.html