web analytics

Kiên quyết loại bỏ chạy chức, chạy quyền 06/03/2019

(KDTT) –  Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng tháng 3 diễn ra vào chiều qua. Được tổ chức trực tuyến đến 71 điểm cầu trên cả nước với sự tham dự của lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH cùng lãnh đạo, chuyên viên ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Hội nghị có nhiệm vụ đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng tháng 2 và 2 tháng đầu năm, xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Xây là cơ bản, chiến lược, chống là thường xuyên, quan trọng

Báo cáo của ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2019, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa để tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và đạt một số kết quả tích cực, cụ thể. Trong đó có việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Ban tổ chức các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tham mưu cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch, tiến hành tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2018 đối với tập thể, cá nhân ban thường vụ, đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể và từng cá nhân; phát huy tính tự giác, khách quan, dân chủ. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh uy tín, chất lượng đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, là cơ sở để cấp ủy các cấp sắp xếp, bố trí cán bộ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: D. Giang)

Ghi nhận các kết quả đạt được, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, việc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đồng thời phải gắn kết chặt chẽ với chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất, suy thoái, và đặc biệt phải gắn với thực hiện Quy định của Trung ương về nêu gương.

Chỉ rõ qua công tác kiểm tra, khảo sát và báo cáo của các địa phương cho thấy, các công việc này đang được triển khai một cách tích cực, chủ động, tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị phải lưu ý đến việc phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống suy thoái về tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ, chống các tác động, chia rẽ, phân biệt, kích động, và “không để các thế lực thù địch lợi dụng việc thực hiện các nghị quyết Trung ương để chống lại chúng ta”.

Báo cáo của ngành cũng cho thấy, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng cũng đã tham mưu thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII và thực hiện đồng bộ các nội dung công tác cán bộ. Các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII, báo cáo cấp ủy phê duyệt. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch gắn với công tác cán bộ như việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch UBND huyện, thành phố không là người địa phương.

Toàn ngành đã tham mưu bổ sung, kiện toàn, điều động, bổ nhiệm, chỉ định, giới thiệu bầu cử đối với hàng nghìn lượt cán bộ, trong đó có 48 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn một số nội dung của Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19.12.2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; dự thảo Kế hoạch thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương. Tham mưu thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách thường xuyên đối với cán bộ trong hệ thống chính trị. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án tổng thể về chính sách cán bộ.

Với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII, 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được đề ra. Vấn đề là cần nghiên cứu và làm thật sự có hiệu quả, đặc biệt là việc tham mưu chuẩn bị đội ngũ cán bộ các cấp với hai trọng tâm, Trưởng ban Tổ chức Trung ương lưu ý. Đó là tiếp tục đổi mới toàn diện công tác cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ cương, đi đôi với tạo điều kiện, môi trường để khuyến khích sáng tạo, đổi mới và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo rất rõ của Đảng: Xây là cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng.

Nơi nào chạy chức, chạy quyền, dứt khoát không dùng

Một điểm rất đáng ghi nhận trong việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, đó là các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp đang thực hiện rất quyết liệt, chủ động.

Cụ thể, các địa phương, đơn vị tiếp tục tham mưu thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng vị trí việc làm. Tham mưu cấp ủy quản lý chặt chẽ biên chế các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế đúng lộ trình Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI đề ra. Một số địa phương được đánh giá là triển khai tích cực, có hiệu quả, như Nghệ An, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Quảng Nam…

Lý giải vì sao việc thực hiện Nghị quyết “càng ngày càng chủ động và tích cực”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, “chính là chúng ta đã nhìn thấy hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết và được nhân dân ủng hộ”.

Đơn cử, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18 và 19, QH đã có Nghị quyết 56 để cụ thể hóa, Chính phủ có Nghị quyết 10 để tổ chức thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Và điểm cần bám sát để tham mưu cho cấp ủy chính quyền các địa phương, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đó là chủ trương có 2 mục tiêu rất rõ. Một là tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi tiêu thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, giảm nợ công, bảo đảm nền tài chính lành mạnh, phát triển đúng hướng; và hai là phải nêu cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37 và nhiều kết luận quan trọng có liên quan, tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện.

Dẫu vậy, qua công tác kiểm tra, giám sát, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ, cùng với nhiều địa phương đã chủ động, tích cực, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương một cách có hiệu quả, thì cũng có những địa phương chưa chủ động, còn cầu toàn, chậm, và khi triển khai thì “còn ngó trước ngó sau nhiều quá”. Đây là những điểm cần lưu ý khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Với công tác cán bộ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương lưu ý, phải nắm thật chắc công tác cán bộ các cấp và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền một cách chuẩn xác, nhất là công tác đánh giá cán bộ. Và trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan phải kiên quyết chống và loại bỏ cho được chạy chức, chạy quyền, chống tham nhũng, chống tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. “Nơi nào chạy chức, chạy quyền thì dứt khoát không dùng. Tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền là phải kỷ luật”. Nhấn mạnh điều này, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị toàn ngành quán triệt sâu sắc tinh thần này, làm quyết liệt và phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc việc thực hiện. Có như vậy mới tạo ra động lực, điều kiện, cơ hội và truyền cảm hứng cho những người tích cực muốn cống hiến tham gia lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời, phải kiên quyết loại bỏ những đảng viên thoái hóa, tham nhũng, quan liêu, xa rời quần chúng.

Theo KDPT