web analytics

Khởi nghiệp như tinh thần Do Thái 04/05/2019

(KDTT) – Cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” cho biết người Do Thái suốt nhiều thế kỷ không có nổi một “mảnh đất cắm dùi”, không có nổi một Tổ quốc, phải tha phương cầu thực khắp nơi, sống tủi nhục trong kỳ thị, săn lung. Để tồn tại, họ luôn phải vươn lên chiếm lĩnh mọi đỉnh cao trong từng lĩnh vực cho đến khi có được một vùng đất nhỏ tại giải Gaza cằn cỗi làm Tổ quốc.

Tinh thần Do Thái

Với gen thông minh trời phú, với ý chí “khởi nghiệp”, từ một quốc gia ban đầu chỉ có 2,1 triệu dân đã vươn lên thành một quốc gia 7,1 triệu người, thu hút dân Do Thái từ 70 nước, 70 nền văn hóa khác nhau sống hòa hợp. Israel tồn tại và phát triển như ngày nay giữa nhiều hằn thù, bao vây, cấm vận vì họ là một “thanh nam châm” thu hút mọi người dân yêu nước, thu hút mọi nhân tài về nước, hoặc chí ít thì cũng như “ong bay về tổ” nhả mật, làm ăn ở bất cứ phương trời nào cũng hướng về Tổ quốc, đóng góp bằng trí tuệ.

Một đất nước chỉ có 7,1 triệu dân mà có tới 28 “lồng ấp” (Incubator) nuôi dưỡng và luôn tạo điều kiện cho những ý tưởng được phát triển. Vậy nên từ mảnh đất cằn cỗi này đã dựng nên một nền nông nghiệp phát triển, rau quả đã đâm hoa kết trái… và trở thành những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng. Từ đất nước này đã và đang cho ra đời những con chip giúp cho sự phát triển của ngành tin học của thế giới. Cứ 6 tháng số lượng chip trong máy tính giảm đi một nửa nhưng tốc độ xử lý tăng lên gấp đôi và giá cả cũng theo đó mà giảm xuống.

Tại đây, với tài ba của những doanh nhân tháo vát đã nhập khẩu những máy bay, vũ khí cũ sau thế chiến thứ II đã cho ra đời cả một ngành công nghiệp hàng không, sản xuất hoặc cải tiến những vũ khí hiện đạị làm cho đối thủ phải gờm.

Đất nước có một nền y học phát triển cao, với công nghệ nanô đang tấn công vào từng tế bào để chữa bệnh. Đất nước chấp nhận sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… bắt nguồn từ 70 dân tộc khác với nhiều tờ báo bằng những thứ tiếng khác nhau mà vẫn thống nhất vào cùng mục tiêu phát triển.

Một nước nhỏ sống giữa vòng vây các “kẻ thù” lớn luôn có mộng tưởng thôn tính nên làm bất cứ việc gì, sản phẩm gì, trong bất cứ ngành nào, luôn phải tính đến mặt “lưỡng dụng”. Khi sống trong hòa bình cũng như lúc có chiến tranh, và với chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, mỗi người dân thực thụ là một người lính.

Một vị thủ tướng tuổi ngoài 80 (Simon Peres) sẵn sàng ngồi hàng giờ nghe một kỹ sư trẻ (Ashagi), đáng tuổi cháu mình, trình bày đề án làm ôtô chạy điện nhằm cho Israel giảm phụ thuộc vào nguồn dầu lửa từ các nước Ả rập và đã tin tưởng giao cho anh ta thực hiện dự án này với sự ủng hộ của toàn hệ thống… nhà nước.

Họp đồng môn của trường Havard (Mỹ) dài lắm là 2 ngày thì người Do Thái phải họp tới cả tuần. Anh đang phát triển, bạn bè mừng cho anh, anh đang gặp khó khăn, bạn bè cùng bàn cách tháo gỡ, anh chẳng may thất bại, bạn bè sẽ vực anh đứng dậy. Người ta tính rằng cứ trong 10 công ty Do Thái đã từng thất bại thì có 3 công ty sau này trở nên nổi tiếng.

Hầu hết các doanh nghiệp thành đạt đều được điều hành bởi những người đã từng qua quân ngũ, những người ưu tú được tuyển chọn, sàng lọc gắt gao, chẳng những về thể lực mà cả kiến thức khoa học. Người Do Thái khi gặp nhau, thay vì như nơi khác thông thường hỏi nhau về bằng cấp, thì họ hỏi nhau đã từng phục vụ trong lực lượng, binh chủng nào để đánh giá sự trải nghiệm…

“Lồng ấp” ở Việt Nam?

Từ câu chuyện những “lồng ấp” ý tưởng của người Do Thái, không ít người chạnh lòng nghĩ tới người Việt.

Trên thực tế, ở Việt Nam ít nhất cũng có tới 63 cái “lồng ấp”, tỉnh thành nào mà chẳng có một Sở Khoa học và Công nghệ. Lớn hơn là một cái “lồng ấp” khổng lồ: Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi Viện khoa học Việt Nam, các hội nghề nghiệp…

Nhưng đáng lẽ, với những người có ý tưởng sáng tạo, trước tiên cần hoan nghênh; tốt hơn thì xuống thăm hỏi xem họ cần giúp gì thì đa phần các ý tưởng đều bị bác bỏ hoặc trong khi ta đang lưỡng lự, nước ngoài đã hỏi mua.

Qua báo chí được biết, đâu chỉ có một hai anh chân đất tỉnh nọ làm tàu ngầm, mà, nào là có Việt kiều về nước cũng làm tàu ngầm compsite mới lặn thử trong… bể bơi, ta không cho lặn thì nước ngoài đã đặt hàng. Rồi một người được cử đi học về tàu ngầm tại một nước Phương Tây, nay đang sản xuất xuồng cao su, cũng mơ ước tới ngày nào đó sẽ làm tàu ngầm.

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 trong lần thử nghiệm tại hồ bơi của Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP HCM. Ảnh: Internet

Giá như, thay bằng “ném đá” mà “lồng ấp” đứng ra tổ chức cuộc gặp giữa nhiều người hay tổ chức có cùng một ý tưởng để cùng bàn bạc, góp ý, hoàn thiện…thì hay biết chừng nào. Việc này chắc phải trông chờ vào cái “lồng ấp” cỡ bộ, cỡ viện mới làm được.

Ngoài chuyện “tầu ngầm” kể trên, còn nhiều chuyện khác trong các ngành nghề. Từ những ý tưởng đơn giản của “anh hai lúa”, “chị ve chai”  đến phức tạp của các nhà khoa học mà sau khi đọc “Quốc gia khởi nghiệp” của người Do Thái, bình tâm mà ngẫm lại để rồi nuối tiếc.

Có thể nói trong dòng máu Việt đã từng tuôn chảy các tố chất giống như của người Do Thái, đã từng có “tinh thần khởi nghiệp”, phải chăng cái tài nguyên quý giá đó đang bị mai một và lãng quên trong hành xử?!

Ở một phương diện khác, chuyện về Đại tướng quân “Hai Lúa” cũng là một động lực tiếp sức cho người khởi nghiệp: chỉ cần nỗ lực và sản phẩm làm ra thực sự có giá trị thì không lo gì thiếu đất dụng võ. Bởi vậy, khi “tinh thần khởi nghiệp” đã có, hãy bền lòng nuôi dưỡng và theo đuổi.

Cần lắm việc khơi dậy tiềm năng vốn có trong dòng máu Việt mình, vươn tới những thay đổi lớn mà trước tiên và quyết định hơn cả là thay đổi tư duy từ gốc rễ trong từng con người. Chúng ta sớm lấy lại được “tinh thần khởi nghiệp” để tiến nhanh hơn, sớm thu hẹp khoảng cách với các nước xung quanh để có những thay đổi cơ bản, ngay cả về thể chế.

Trung Anh