web analytics

Khó khăn bủa vây ngành xây dựng và bất động sản 26/02/2020

(KDTT) – Trong năm 2020, thị trường bất động sản và xây dựng được đánh giá sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các thủ tục phê duyệt dự án bị kiểm soát chặt chẽ cũng như tác động từ dịch Covid-19. Để ứng phó, doanh nghiệp trong ngành đã cấp bách kiến nghị nhiều giải pháp về hỗ trợ vốn và chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành.

Năm 2020 giới chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn

Khó khăn bủa vây bất động sản, xây dựng

Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường JLL, khoảng 30.000-35.000 căn hộ dự kiến sẽ mở bán chính thức tại TP. Hồ Chí Minh và 40.000-45.000 căn hộ ở Hà Nội trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia của JLL cũng lưu ý rằng nguồn cung này sẽ có nhiều biến động do Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.

Trên thực tế, ở khu vực TP. Hồ Chí Minh đã có không ít doanh nghiệp trong năm vừa qua không có dự án nào được khởi động. Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành chia sẻ, năm 2019 dù có gửi thủ tục xin cấp phép xây dựng nhưng doanh nghiệp này không được cấp phép dự án nào tại TP. Hồ Chí Minh. Tình thế khó khăn đã buộc Lê Thành phải chuyển hướng đầu tư sang các địa bàn lân cận khác.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhu cầu mua và đầu tư sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tương lai và sẽ đẩy giá cao hơn nữa ở tất cả các phân khúc. Tuy nhiên, nhu cầu trong phân khúc cao cấp, đặc biệt là nhu cầu từ các nhà đầu tư, có thể sẽ chậm lại trong dài hạn vì mức giá cao và hiệu suất cho thuê thấp làm cho kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn so với những năm trước đây. “Khi thị trường có ít dự án sẽ khiến giá bị đẩy lên cao là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, giao dịch trên thị trường cũng sẽ chậm hơn so với trước đây”, ông Nghĩa nhận xét.

Việc thị trường bất động sản tăng trưởng chậm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành xây dựng. Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, do thị trường bất động sản khó khăn, nhiều dự án ngưng trệ dẫn tới tăng trưởng của ngành xây dựng không lớn. Nếu mọi năm ngành tăng trưởng trên 10% thì năm 2019 chỉ ở mức 1 con số, đặc biệt là khu vực ở TP. Hồ Chí Minh mức tăng trưởng rất thấp. Việc tăng trưởng thấp khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường cũng khốc liệt hơn và tính cạnh tranh về giá cao hơn dẫn tới lợi nhuận của các công ty xây dựng vì thế cũng giảm đi. Chẳng hạn Công ty xây dựng Hòa Bình các năm trước đạt tăng trưởng bình quân 30% thì năm vừa qua chỉ khoảng 10%.

Cấp bách ứng phó

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch COVID-19, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo tổng hợp các đề xuất của hiệp hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản trước những khó khăn về pháp lý và diễn biến dịch bệnh…

Trong công văn của mình, HoREA cho rằng dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, khiến thị trường bất động sản ngày càng khó khăn hơn, trước hết là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, vì vậy, HoREA đề nghị TP. Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-19 như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.

Về phía ngành xây dựng, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam dự báo rằng bức tranh chung của ngành xây dựng trong năm nay không mấy khởi sắc bởi thị trường bất động sản tại các địa phương như Phú Quốc, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều đang trầm lắng. Thêm vào đó với tác động từ dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay bất động sản càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xây dựng đều buộc phải điều chỉnh hoạt động đồng thời áp dụng công nghệ vào hoạt động, tiết giảm mọi chi phí không cần thiết.

Theo congthuong.vn