Việc xây dựng, thảo luận để có một nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023 tầm nhìn đến 2050 trong chiến lược phát triển đất nước là một trong những nền tảng để chúng ta thực hiện bằng được ước mơ và kỳ vọng đó. Bởi, Quy hoạch tổng thể có vị trí quan trọng, là quy hoạch chiếm vị trí thứ bậc cao nhất đóng vai trò dẫn dắt và làm cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh một số quy hoạch quốc gia khác như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh.

Quy hoạch cần có trọng tâm, trọng điểm

Định hướng phát triển không gian kinh tế – xã hội là một trong 11 nội dung định hướng phát triển, là nội dung đầu tiên vừa là căn cứ cho các định hướng quy hoạch khác, vừa phải sử dụng kết quả các nội dung định hướng quy hoach khác và phải phù hợp các quy hoạch khác, trong đó đặc biệt quy hoạch phát triển không gian vùng trời, không gian biển, định hướng sử dụng đất quốc gia, quy hoạch phát trỉển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia… Về quan điểm phát triển, kể cả quy hoạch tổng thể và trực tiếp là định hướng phát triển không gian kinh tế – xã hội cần quan tâm và tôn trọng nguyên tắc và quan điểm quán triệt sâu sắc, tôn trọng và phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời phải trên cơ sở thực tế tiềm năng đất nước, thực tế phát triển đất nước, đặc biệt là thực tế tổ chức không gian phát triển quốc gia trong 10 năm gần đây. Bên cạnh đó cần tính đến xu thế phát triển trong nước và quốc tế. Không gian phát triển quốc gia, cũng như không gian phát triển kinh tế xã hội phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế – xã hội hiện nay và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; tổ chức tốt việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Rất cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, hình thành các cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan toả thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch tổng thể quốc gia về không gian kinh tế phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo. Định hướng phát triển kinh tế – xã hội phải đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản. Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường… Tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Trong định hướng phát triển kinh tế cần tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hoá, xã hội, hạ tầng thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, hình thành và phát triển các vùng động lực; các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; các cực tăng trưởng quốc gia quan trọng trở thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị…

5 nhóm giải pháp

Xác định đầy đủ nội dung của định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội trong quy hoạch tổng thể quốc gia đề năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quan trọng là cần thiết. Về các giải pháp thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, cần triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ và có hệ thống. Tìm ra những phương thức hiện đại phù hợp với tình hình điều kiện của Việt Nam đó là xây dựng và đầu tư cho các nhóm: Nhóm giải pháp nguồn lực cho phát triển không gian kinh tế xã hội; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về Khoa học Công nghệ; nhóm giải pháp nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế. Có thể nói đây là những ngón tay trên một bàn tay sẽ tạo ra những sức mạnh nội lực để tạo nên những bước phát triển mới đích thực, thực chất cho phát triển không gian kinh tế ở Việt Nam đạt được những trái ngọt lành mang lại hạnh phúc ấm no cho đất nước Việt Nam chúng ta. Cần triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ, có hệ thống: Trước hết, nhóm giải pháp nguồn lực cho phát triển không gian kinh tế xã hội. Cần huy động tối đa mọi nguồn lực, thực hiện việc phân bổ đúng mục tiêu, hợp lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm; Cơ cấu lại Ngân sách nhà nước. Cơ cấu và tổ chức lại nguồn thu, đặc biệt là các nguồn thu từ thuế, phí. Tiếp tục cải cách hệ thống thuế đảm bảo thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, đồng thời là công cụ điều hành vĩ mô nền kinh tế. Về chi ngân sách nhà nước cũng cần được cơ cấu lại, trước hết là cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ nguồn vốn đầu tư, giải ngân và sử dụng vốn đầu tư công. Xác định và tập trung sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực quốc gia, nguồn tài chính quốc gia. Hạn chế tối đa tình trạng ứ đọng vốn, có tiền mà không tiêu được. Cần tổ chức lại toàn bộ nền tài chính quốc gia, tổ chức lưu chuyển dòng tiền, bắt dòng tiền luôn vận động không tắc nghẽn, không luân chuyển sai dòng. Cần xác định thật đầy đủ những nguồn vốn có thể khai thác, cách thức khai thác và thời điểm khai thác. Cần quan tâm và có cách thức khai thác nguồn vốn tạo ra từ vốn hóa đất đai. Cần có giải pháp về phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực. Thứ hai, Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Cần có giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật, ưu tiên phát triển hạ tầng quy mô lớn của các vùng động lực quốc gia, xây dựng cơ chế chính sách, quan tâm chính sách đặc thù, đầu tư khu vực khó khăn. Nhóm giải pháp này cần quan tâm nhiều hơn đến cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, cho kinh tế tư nhân phát triển. Thứ ba, Nhóm giải pháp về Khoa học công nghệ; Các giải pháp về chính sách, về hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ, về cơ chế chính sách đầu tư, khai thác các khu công nghệ cao… Thứ tư, Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực. Cần có giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Những giải pháp về nguồn nhân lực cần mang tính dài hạn, bởi lẽ phát triển nguồn nhân lực phải tính trong thời gian dài, phải có sự chuẩn bị chu đáo. Thứ Năm, nhóm giải pháp về Hợp tác quốc tế. Cần có chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả trí tuệ và nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện tốt những điều này, chúng ta sẽ hiện thực hóa được khát vọng kiến tạo những mùa xuân trường tồn, vì một Việt Nam hùng cường – thịnh vượng, như nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã viết, đó là “Khát vọng phồn vinh dẫn đường vận nước”.

PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch CLB Các nhà Công Thương Việt Nam

Theo KDPT