web analytics

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 05/11/2020

(KDTT) – Đến nay, các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã được công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Có thể thấy, “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một trong những điểm nhấn của các văn kiện trình Đại hội.

Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương xoay quanh vấn đề này.

Thưa PGS.TS Phạm Văn Linh, chủ đề Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông có thể cho biết ý nghĩa chủ đề của Đại hội lần này?

PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

PGS.TS Phạm Văn LinhĐây là một chủ đề được thảo luận khá kỹ. Trước đây, có những kỳ đại hội chủ đề được đưa ra chọn, thảo luận rất nhiều, khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân các chủ đề phạm vi còn rộng. Lần này, Dự thảo Báo cáo chính trị tập trung vào chủ đề với 5 thành tố chính: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu đến giữ thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ đề lần này của Đại hội đã bao hàm nhiều nội dung quan trọng, các mục tiêu Việt Nam đang phấn đấu, có lộ trình, cả ngắn hạn, dài hạn đến giữa thế kỷ XXI, trong đó có việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng khi đề cập ở thời điểm này, cũng là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Dự thảo Báo cáo chính trị đã thể hiện tầm nhìn như thế nào để làm rõ cơ đồ, tiềm lực của đất nước ta trong những năm tiếp tới, thưa ông?

Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh tổng thể kết quả của 35 năm Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Tất cả những thành tựu đó có ý nghĩa to lớn, mang tính lịch sử, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, có điểm nhấn. Thành tựu chúng ta đã đạt được cho thấy sau 35 năm Đổi mới, thực hiện Cương lĩnh 1991, đó là sự khẳng định bằng thực tế. Quy mô GDP của chúng ta đạt 268,4 tỷ USD, đó là quy mô rất lớn, thu nhập bình quân đầu người đạt 2750 USD/ người/năm. Năm nay có sự khó khăn chung do đại dịch, lũ lụt nhưng 9 tháng đầu năm Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,12%. Nếu không có một cơ đồ, tiềm lực, chắc chắn chúng ta không thể có thành tựu như vậy được. Bên cạnh đó, vị thế, uy tín của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao trên nhiều phương diện, kể cả trong năm 2020 khi Việt Nam đối mặt với những khó khăn, các tác động bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong ảnh: Một góc huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo ông, việc đưa các văn kiện báo cáo đại hội Đảng lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, đã nhận được những hiệu ứng tích cựu, điều này có ý nghĩa như thế nào?

Từ các nhiệm kỳ trước, các bản Dự thảo báo cáo văn kiện Đại hội Đảng đều đưa ra lấy ý kiến Nhân dân. Điều này thể hiện sự dân chủ trong sinh hoạt của Đảng cũng như phát huy dân chủ trong xã hội. Quan trọng hơn, Đảng và Nhà nước luôn mong muốn sự đóng góp trí tuệ của Nhân dân để hoàn thiện các báo cáo, văn kiện trình Đại hội Đảng. Riêng Ban Dân vận Trung ương chủ trì, chỉ đạo tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc… Cái được lớn nhất khi đưa ra lấy ý kiến Nhân dân, là trí tuệ của 100 triệu người dân được phát huy, người dân được tham gia đóng góp ý kiến, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc.

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện những điểm mới nào, thưa ông?

Dự thảo báo cáo chính trị đã thể hiện nhiều điều mới trên tất cả các lĩnh vực. Trước hết là, ở chủ đề Đại hội. Thứ hai, mục tiêu của chúng ta đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, đây là nội dung hoàn toàn mới. Thứ ba là, trong nội dung báo cáo, chúng ta cũng đã đánh giá trực diện, khách quan, thẳng thắn những điều đã làm được và chưa làm được trong thời gian qua một cách khoa học. Từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm, không chỉ trong 5 năm qua mà đặt trong tổng thể của 35 năm Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Bên cạnh đó, 5 quan điểm chỉ đạo cũng là điều rất mới. Các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể như đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Các nội dung bên trong về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cho đến 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá đều là rất mới. Khi đưa Dự thảo ra qua dự một số hội nghị đóng góp ý kiến, Nhân dân đón nhận rất tích cực, thể hiện đúng tâm tư, khát vọng của người dân với sự phát triển đất nước.

Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng đề cập đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đổi mới sáng tạo được thể hiện ở nhiều nội dung trong văn kiện Đại hội Đảng. Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt là việc tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0, chúng ta muốn phát triển theo chiều sâu, lấy năng suất, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ… do đó đổi mới sáng tạo là một trong những điểm nhấn được thể hiện trên nhiều phương diện. Ví dụ như nguồn nhân lực chất lượng cao, dựa trên nền tảng của giáo dục và đào tạo. Dự thảo báo cáo chính trị cũng có riêng một phần về thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, trong đó có thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm. Đây có thể coi như một sự nhìn thẳng, nói thật. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

Dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra 7 hạn chế, khuyết điểm và rút ra 4 nhóm nguyên nhân. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện khá mạnh, được Nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển đất nước, vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu, còn hạn chế. Một số cấp ủy Đảng còn chưa nhận thức, quyết tâm chính trị chưa đủ sâu sắc, dẫn đến triển khai, thực hiện còn bất cập. Trong 10 năm (2011-2020) tăng trưởng bình quân của chúng ta là 5,9%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người trong mười năm qua là 2750 USD, chỉ tăng 1420 USD, trong khi đó tiềm lực, tiềm năng của chúng ta còn rất lớn. Việc nhìn thẳng vào những hạn chế đó để chúng ta biết chúng ta đang ở đâu, yếu cái gì, cần khắc phục như thế nào. Đó là một tinh thần cộng sản, thể hiện bản lĩnh của đảng cầm quyền, mong muốn khắc phục hạn chế, khắc phục khó khăn để đưa đất nước phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kinh doanh và Phát triển đăng tải các ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước; thông qua đó, phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 DUY KHÁNH (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT