web analytics

Khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 18/11/2021

(KDTT) –  Đây là một những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 138/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.

Sớm khắc phục, xử lý các dự án tồn tại, yếu kém

Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc khắc phục khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; sớm khắc phục, xử lý các dự án tồn tại, yếu kém theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức tổng kết công tác cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020, làm rõ mặt được, chưa được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để xây dựng, phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng hoặc ban hành Kế hoạch xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản xử lý kiến nghị phản ánh về quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8059/VPCP-PL ngày 3/11/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp với Văn phòng Chính phủ đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; thúc đẩy triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng thống kê, cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vào phần mềm thống kê theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 20/11/2021.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.

Từng bước mở cửa đường bay quốc tế gắn với an toàn phòng, chống dịch

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021. Sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định.

Tiếp tục bảo đảm thông suốt vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, xây dựng lộ trình từng bước mở cửa đường bay quốc tế gắn với an toàn phòng, chống dịch, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) sau khi được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ hai.

Nghiên cứu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động, sáng kiến về giảm phát thải phù hợp với các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp mở lại hoạt động du lịch gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; chỉ đạo thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa bàn.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước. Triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về sản xuất vaccine đến năm 2030 và các trương trình khoa học công nghệ phục vụ phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn thậm chí phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

 

Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó làm rõ các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách cần thiết khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để điều chỉnh nội dung báo cáo tại kỳ họp tháng 12/2021 của Quốc hội.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các dự án đầu tư công.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ và cân đối ngân sách; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung về chính sách miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục trong 2 năm bị ảnh hưởng 2020-2021 và cho giai đoạn 2022-2027 nhằm giảm chi phí trong vận hành, khuyến khích, huy động các nguồn lực công-tư vào phát triển, phục hồi một cách nhanh nhất và duy trì hoạt động trong các năm tiếp theo; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát tình hình nợ xấu để kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình.

Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trình Chính phủ trong quý IV/2021.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập) thông qua các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính miễn, giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh theo quy định.

DUY KHÁNH

Bạn đang đọc bài Khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT