(KDTT) – Mới đây, tại khu vực Bia Quốc học Huế đã khai mạc Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 năm 2019, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”.
Đây là một hoạt động được UBND TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào những năm lẻ, nhằm giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghề, các sản phẩm nghề thủ công và ẩm thực truyền thống của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP. Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 26/4 đến ngày 2/5), Festival nghề truyền thống Huế tiếp tục là nơi hội tụ trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề của Thừa Thiên-Huế, của nhiều địa phương trong cả nước và nghệ nhân các thành phố quốc tế có quan hệ hữu nghị, hợp tác với thành phố Huế. Đặc biệt, Festival nghề truyền thống Huế năm 2019 còn gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa có ý nghĩa của quê hương, đất nước như: Kỷ niệm 230 năm Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh (1789 – 2019); 120 năm vua Thành Thái ban chỉ dụ thành lập thị xã Huế (1899 – 2019); 120 năm xây dựng chợ Đông Ba và cầu Trường Tiền.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế nhấn mạnh, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival nghề truyền thống Huế tiếp tục khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản Huế và ngành nghề truyền thống của các vùng miền trong nước; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Festival nghề truyền thống Huế năm 2019 có sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước: Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên, Thừa Thiên-Huế…với 16 nhóm nghề: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt – may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân-sư-rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời.
Bên cạnh đó, Festival nghề truyền thống Huế còn có sự tham gia của 11 thành phố, tổ chức quốc tế có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với TP. Huế và 3 Hiệp hội nghề, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Brazil với 68 nghệ nhân tham dự.
Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2019, còn có nhiều sự kiện hưởng ứng và hoạt động cộng đồng như: Tổ chức các buổi triển lãm, không gian trưng bày; hội thi, gặp gỡ, tọa đàm, giao lưu và tôn vinh các nghệ nhân; chương trình quảng diễn đường phố; lễ hội ẩm thực, không gian sen và bình chọn sản phẩm thủ công và đặc sản… Đặc biệt, Lễ hội áo dài Huế 2019, qua sự kết hợp giữa 20 họa sĩ nổi tiếng của Huế và các nhà thiết kế thời trang đến từ Hà Hội, TP. Hồ Chí Minh và Huế sẽ là một trong những hoạt động nhằm tạo dấu ấn và đặc sắc cho Festival Nghề truyền thống Huế lần này.
Thế Phong
Nguồn chinhphu.vn