web analytics

Hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội? 29/09/2019

(KDTT) – Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định hủy đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP (hợp tác công tư) cao tốc Bắc – Nam vì lý do số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển ít, tính cạnh tranh không cao.

Đây được xem là cơ hội để phát huy nội lực của các nhà đầu tư trong nước, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đó cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiềm lực còn hạn chế.

Sau gần 5 năm xây dựng, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng, có chiều dài 77,6 km giai đoạn I, đạt chuẩn cao tốc giai đoạn II để tiếp nối vào cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong tương lai, tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng, đang trong giai đoạn “nước rút” giai đoạn I để phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9/2019. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Không có sự khác biệt về thủ tục đấu thầu

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, 8 dự án PPP của cao tốc Bắc – Nam mà Bộ Giao thông Vận tải thực hiện sơ tuyển đã nhận được tổng cộng 60 hồ sơ, nhưng có tới 4 dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua vòng sơ tuyển. Trong 4 dự án còn lại, có 2 dự án chỉ có một nhà đầu tư; một dự án có 2 nhà đầu tư và một dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển. Do số lượng các hồ sơ đạt yêu cầu quá ít sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh nên Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy đấu thầu quốc tế.

Ngoài ra, việc hủy đấu thầu quốc tế cũng do bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh – quốc phòng; đồng thời phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, sau khi Bộ công bố hủy kết quả quả đấu thầu quốc tế, 8 dự án PPP của cao tốc Bắc – Nam sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước và chỉ có nhà đầu tư trong nước tham gia thi công dự án. Cụ thể là những nhà đầu tư được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có pháp nhân và trụ sở tại Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quy trình, thủ tục đấu thầu trong nước không khác gì đấu thầu quốc tế, nhưng tư cách nhà đầu tư thay đổi. Do đó, ông Nguyễn Viết Huy nhận định, chắc chắn sau khi hủy đấu thầu quốc tế sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước nộp hồ sơ tham gia đấu thầu bởi trước đó những nhà đầu tư còn e ngại sẽ không vượt qua được năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài để cạnh tranh về lãi suất đầu tư dự án.

Về năng lực, chất lượng của nhà đầu tư nội cũng được quy định rõ. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 về một số định hướng riêng cho dự án cao tốc Bắc – Nam. Theo đó, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án phải bằng 20% tổng vốn đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh. Trong 6 tháng ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng để bố trí vốn triển khai dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu, bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.

Ngoài ra, Chính phủ cũng lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm: đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, các địa phương có dự án đi qua và các chuyên gia. Những tiêu chí hàng đầu được quan tâm là các nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể; trong đó vốn chủ sở hữu quy định là 20%, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án PPP hay đã thực hiện gói thầu về xây dựng hạ tầng…

Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV cho rằng, việc hủy đấu thầu quốc tế là do khách quan, dựa trên kết quả thực tế triển khai. Theo ông, dù là nhà đầu tư nào thì cũng phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện nhiều công trình lớn với nguồn lực trong nước như: đường dây 500 kV Bắc – Nam, cầu Bạch Đằng… Điều đó cho thấy doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể làm được nếu có cơ chế, chính sách phù hợp.

“Nếu tập hợp được lực lượng, các bên đều quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, nhà đầu tư trên cơ sở công khai, minh bạch để người dân tin tưởng thì chúng ta sẽ làm được. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện các dự án BOT thành công nên chúng ta có thể điều chỉnh để không lặp lại các vấn đề tồn tại như một số dự án BOT vừa qua”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, dòng tín dụng cho BOT đã chiếm tỷ lệ cao tại các ngân hàng trong nước và khó vay thêm. Vì vậy, khi đấu thầu quốc tế với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam, Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng kêu gọi được dòng vốn nước ngoài vào đầu tư để hoàn thiện toàn tuyến trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thực tế không như vậy và hơn nữa đây mới là bước sơ tuyển. Việc hủy đấu thầu quốc tế là quyết tâm rất lớn, nhất làt trong bối cảnh hiện nay. Quyết định này có thể khiến dự án cao tốc Bắc – Nam khó đạt tiến độ như kỳ vọng, thậm chí nhiều năm nữa mới xong, nhưng hủy là cần thiết.

Trở ngại là vốn

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin (nhà đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) cho hay, Phương Thành cũng đang liên danh với một nhà đầu tư xem xét tham gia dự án này. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải tìm được ngân hàng tài trợ vốn.

Do đó, ông kiến nghị sắp tới trong hồ sơ mời thầu, Bộ Giao thông Vận tải nên tuân thủ theo các quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đưa ra các tiêu chí mời thầu. Có như vậy, các nhà đầu tư trong nước mới liên danh liên kết được với nhau để tham gia dự án.

“Còn nếu quy định nhà đầu tư nào cũng phải có đồng thời năng lực tài chính, năng lực thi công thì khó tìm ra được nhà đầu tư như vậy. Ví như nhà đầu tư A có năng lực tài chính có thể liên kết với nhà đầu tư B có năng lực thi công. Khi đó các nhà đầu tư nội mới có thể tham gia được dự án này. Mặt khác, nếu dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng có thể yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 15%, còn trên 1.5000 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu là 10% thì hợp lý”, ông Phạm Văn Khôi đề xuất.

Một chuyên gia trong ngành giao thông cho hay, với những bất cập trong BOT giao thông thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ có thể kỳ vọng dự án thu hút được nhà đầu tư trong nước vào dự án cao tốc Bắc – Nam. Ngoài ra, cao tốc Bắc – Nam là tuyến đường mới hoàn toàn, triển khai BOT sẽ thuận lợi hơn là đường độc đạo, đường hiện hữu như thời gian qua. Cùng với đó, công trình này thu hút BOT thông qua đấu thầu, chứ không phải chỉ định thầu như trước. Do đó việc đấu thầu sẽ công khai, minh bạch, cạnh tranh hơn.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư nhiều dự án BOT giao thông hiện nay) chia sẻ, để việc đấu thầu trong nước hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ của các bộ, ngành. Đặc biệt, trong quá trình lập và phê duyệt báo cáo khả thi dự án phải có sự tham gia của ngân hàng để đánh giá tính hiệu quả của dự án.

“Như dự án Hữu Nghị – Chi Lăng vừa qua là một ví dụ. Rõ ràng việc đánh giá hiệu quả kinh tế chưa tương đồng nên ngân hàng đã đề nghị Nhà nước bổ sung nguồn vốn hỗ trợ. Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị ngân hàng (cụ thể là Ngân hàng Nhà nước) tham gia ngay từ đầu cùng cơ quan Nhà nước để đánh giá hiệu quả kinh tế từng dự án bởi nếu “vênh” nhau về kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế thì phải lập và phê duyệt dự án lại từ đầu, gây mất rất nhiều thời gian.

Ông Trần Văn Thế khẳng định, nếu liên danh, liên kết các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án cao tốc đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nâng cao năng lực giám sát của mình.

Một nhà đầu tư khác đã khẳng định uy tín, chất lượng trong xây dựng dự án giao thông qua dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) khẳng định rất quan tâm đến dự án cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú, Quyền Tổng giám đốc Vidifi cho hay, hiện Tổng công ty chưa thu xếp được nguồn vốn nên bỏ ngỏ việc tham gia dự án này.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Xây dựng Giao thông 1 (Trico) chia sẻ, sẽ không tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam vì thấy nhiều rủi ro. Cụ thể, Trico đang gặp khó khăn khi dự án BOT Cay Lậy (Tiền Giang) chưa được thu phí; trong đó, Trico góp tới 35% tại dự án này. Ngoài ra, dự án cao tốc Bắc – Nam để hoàn thành cũng phải mất 10 năm nữa, trong khi một số dự án trên Quốc lộ 1 sẽ hết thời hạn thu phí. Lúc đó dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ bị phân lưu lưu lượng, dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư.

Cũng theo đại diện Trico, ngoài các yếu tố trên thì một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư trong nước chưa muốn tham gia là các quy định pháp luật về PPP chưa ổn định.

TS Nguyễn Hữu Đức nêu ý kiến, năng lực kỹ thuật trong nước, vật tư, tay nghề người lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình lớn như cao tốc Bắc – Nam và trở ngại duy nhất vẫn là vốn. Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu vay ngân hàng, nhưng các ngân hàng lại huy động vốn ngắn hạn của dân, trong khi đó dự án giao thông kéo dài vài chục năm. Để giải quyết vấn đề vốn, Chính phủ cần có chính sách thu hút tiềm lực trong dân như các nước trên thế giới…

Theo Báo Tin tức