web analytics

Huawei khởi động dự án chăn nuôi lợn bằng AI 23/02/2021

(KDTT) – Huawei chuyển sang phát triển công nghệ nuôi lợn bằng trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty có dấu hiệu sụt giảm.

Tuần trước, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies đã khởi động một dự án nuôi lợn bằng trí tuệ nhân tạo nhằm bù đắp tình trạng doanh thu sụt giảm từ kinh doanh smartphone do các lệnh trừng phạt thương mại liên tục đến từ Mỹ. Duan Aijun, Chủ tịch kinh doanh thị giác máy tính của Huawei đã đăng thông tin trên trang Weibo cá nhân.

Smartphone thất thu, Huawei chuyển hướng sang chăn nuôi lợn bằng trí tuệ nhân tạo, với kỳ vọng AI sẽ giúp hiện đại hóa các trang trại lợn tại đây bằng cách hỗ trợ phát hiện bệnh dịch và theo dõi đàn lợn. (Ảnh: digitalcameraworld).

Huawei cũng đã dừng các hoạt động nhập linh kiện từ Mỹ sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc họ là mối nguy cho an ninh quốc gia Mỹ.

Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp nuôi lợn lớn nhất thế giới với một nửa trữ lượng lợn trên toàn thế giới. Huawei kỳ vọng AI sẽ giúp hiện đại hóa các trang trại lợn tại đây bằng cách hỗ trợ phát hiện bệnh dịch và theo dõi đàn lợn.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng có thể giúp xác định từng cá thể lợn, trong khi một số công nghệ khác có thể theo dõi cân nặng, chế độ ăn và tập thể dục của đàn lợn.

Trên thực tế, hàng loạt ông lớn công nghệ Trung Quốc khác như JD.com, NetEase hay Alibaba đều đã tìm cách đưa công nghệ mới vào thị trường nuôi lợn.

Tháng trước, Huawei đã phát triển thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt và gặp chỉ trích về một hệ thống có thể nhận diện người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương) bằng hình ảnh.

Theo Nikkei Asia, Huawei đã thông báo với các nhà cung ứng linh kiện, lượng đặt hàng smartphone trong năm nay sẽ giảm khoảng 60%. Dự kiến Huawei sẽ chỉ sản xuất 70 triệu chiếc smartphone trong năm nay, so với con số 189 triệu chiếc của năm 2020.

Động thái mới nhất này của Huawei được đánh giá nằm trong chiến lược tìm kiếm các nguồn doanh thu mới sau khi mảng kinh doanh smartphone của hãng này gần như bị “tê liệt” do các lệnh cấm của Mỹ. Các lệnh cấm đã cắt đứt quyền truy cập của Huawei vào chip và các công nghệ khác từ Mỹ. Trước đó, Huawei đã phải bán đi thương hiệu smartphone Honor của mình.

Ngoài nuôi lợn, khai thác than, Huawei cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ điện toán đám mây, phương tiện thông minh và thiết bị đeo. Hãng thậm chí đã lên kế hoạch sản xuất một chiếc xe hơi thông minh.

Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi cũng đã thông báo về việc ra mắt phòng thí nghiệm đổi mới khai thác thông minh ở Taiyuan, thủ phủ của trung tâm than phía bắc của tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Trong một cuộc họp bàn tròn, ông cho biết công ty đã khởi động chương trình “tự lực sản xuất”, được gọi là Nanniwan, theo đó công ty đang mạo hiểm vào khai thác than, sắt thép và âm nhạc, trong khi mở rộng các danh mục mà công ty đã có các sản phẩm tiêu dùng như ti vi, máy tính và máy tính bảng.

“Chúng tôi vẫn có thể tồn tại ngay cả khi không dựa vào doanh số bán smartphone. Rất khó có khả năng Mỹ loại bỏ Huawei ra khỏi cái gọi là danh sách thực thể và gỡ bỏ lệnh cấm là rất khó xảy ra”, ông Nhậm Chính Phi cho biết.

Tham vọng của Huawei trở nên rõ ràng hơn khi mở rộng nhiệm vụ của Richard Yu Chengdong, người đứng đầu bộ phần kinh doanh tiêu dùng của công ty. Huawei cũng tập trung nghiên cứu, phát triển thiết bị đeo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khi tiết lộ ba chương trình nghiên cứu sức khỏe hồi tháng trước về kiểm soát tăng huyết áp, nhiệt độ cơ thể và bệnh tim mạch vành. Trọng tâm mới được kỳ vọng có thể giúp công ty bắt kịp Xiaomi, hãng cung cấp thiết bị đeo lớn thứ hai thế giới sau Apple.

Được biết trong quý cuối cùng của năm 2020, doanh số smartphone của Huawei giảm 42% do nguồn cung microchip hạn chế. Huawei cũng bị cấm phát triển 5G tại hàng loạt quốc gia.

THÚY HIỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT