web analytics

Huawei: Khi “giấc mơ Mỹ”lụi tàn 07/10/2019

(KDTT) – Từng tham vọng chinh phục thị trường Mỹ nhưng giờ đây, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, rất có thể “giấc mơ Mỹ” của Huawei sẽ hoàn toàn bị đổ bể.

Là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới nhưng sự có mặt của Huawei tại thị trường Mỹ khá mờ nhạt. Trước khi thương chiến Mỹ – Trung, Mỹ vẫn luôn được “đại gia” công nghệ Trung Quốc đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng, đặc biệt là mảng kinh doanh smartphone và thiết bị công nghệ thông tin.

“Giấc mơ Mỹ”của Huawei đã lụi tàn. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Futurewei – Con bài chiến lược

Đầu những năm 2000, Huawei thực hiện chiến lược “toàn cầu hóa” rộng rãi trong nỗ lực xây dựng hình ảnh từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Trung Quốc thành công ty toàn cầu chuyên cung cấp dịch vụ di động trên toàn thế giới. Để củng cố vị trí này, Huawei lập công ty con tại Plano (Texas) vào năm 2001 và bắt đầu xây dựng các trung tâm R&D trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Át chủ bài được Huawei lựa chọn để thâm nhập thị trường Mỹ chính là Futurewei. Năm 2011, Huawei đánh dấu kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Mỹ với việc mở trụ sở của Futurewei chuyên về nghiên cứu và phát triển (R&D) rộng 200.000m2 tại Santa Clara (California).

Tại thời điểm đó, Tập đoàn này tuyên bố, Futurewei quy tụ “các phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến” và sẽ tập trung phát triển “các giải pháp truyền thông thế hệ mới cho khách hàng Mỹ. Đồng thời hỗ trợ các nỗ lực R&D của Huawei trên phạm vi toàn cầu”. Trong gần hai thập kỷ, Huawei đã rót hàng triệu USD vào Futurewei, giúp công ty này thu được 2.000 bằng sáng chế từ Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), chủ yếu thuộc các lĩnh vực viễn thông, mạng di động 5G, công nghệ máy ảnh và video.

Hoạt động mạnh mẽ tại Thung lũng Silicon, Seattle, Chicago và Dallas, các trung tâm R&D của Futurewei giúp Huawei có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác những phát triển công nghệ mới nhất tại Mỹ – “cái nôi” của công nghệ. Không những thế, Huawei còn muốn sử dụng Futurewei làm bàn đạp mở rộng thị trường trên toàn thế giới và trở thành công ty dẫn đầu trong cuộc đua thúc đẩy công nghệ 5G.

Mỹ – “Kẻ ngáng đường”

Nhưng tham vọng của Huawei ở Mỹ, đặc biệt là với Futurewei, đã hoàn toàn bị “ngáng chân” bởi cuộc chiến Mỹ – Trung mà chính quyền Tổng thống Trump phát động. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Huawei trên mọi phương diện: không được mua linh kiện từ các nhà cung cấp chính của Mỹ như Google, Intel hay không được bán các thiết bị viễn thông tại thị trường nông thôn Mỹ…

Thậm chí, Chính phủ Mỹ còn cấm Futurewei chuyển giao công nghệ tới các cơ sở của Huawei bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Điều đó đồng nghĩa, tất cả nghiên cứu và phát triển tại Futurewei sẽ không được triển khai trên sản phẩm mới của Huawei.

Lệnh trừng phạt này bắt nguồn từ năm 2012, khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo tuyên bố rằng Huawei có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia và đe dọa tới quyền riêng tư của người dùng. Đỉnh điểm là vào tháng Năm vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã phát đi thông cáo cho biết Huawei có liên quan tới các hoạt động đi ngược lại với an ninh quốc gia Mỹ và quyết định xếp Huawei cùng 70 chi nhánh vào danh sách đen thương mại.

Kết quả là Futurewei tại Mỹ buộc phải sa thải hơn 600 nhân viên – gần một nửa nguồn nhân lực của cả công ty, đóng cửa nhiều văn phòng và phải dừng hợp tác với những đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ như MIT, Princeton, Stanford…

Giờ đây, Futurewei hoạt động cầm chừng mà không có kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Khoản đầu tư khổng lồ mà Huawei từng rót vào công ty này rất có thể sẽ tạo nên khoản lỗ đáng kể cho tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định, nếu trường hợp xấu nhất là Huawei bắt buộc phải dừng mọi hoạt động tại Mỹ, kể cả việc đóng cửa Futurewei thì đó cũng không phải vấn đề đối với Huawei bởi Tập đoàn này vẫn đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường nội địa cũng như trên toàn cầu.

Theo ông Tim Danks – Phó Chủ tịch Huawei về Quản lý rủi ro, là một trong những tập đoàn đi đầu về ngành công nghệ thông tin – viễn thông, Huawei vẫn sẽ phải hướng tới tương lai bất kể môi trường chính trị khó khăn hiện tại. Trên thực tế, Tập đoàn vẫn có quan hệ đối tác nghiên cứu với hơn 300 trường đại học trên thế giới và đang bắt đầu nghiên cứu công nghệ mạng không dây 6G.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam