web analytics

Huawei “bán tống bán tháo” hãng smartphone giá rẻ Honnor 18/11/2020

(KDTT) – Theo Globaltimes, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies đã bán thương hiệu phụ Honor của mình cho một tập đoàn Trung Quốc với hơn 30 đại lý và nhà phân phối. Quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo sự tồn tại của công ty trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ leo thang.

Huawei đã bán mảng sản xuất smartphone giá rẻ Honor cho chủ sở hữu mới là Zhixin New Information Technology Co. Ltd để đảm bảo sự tồn tại của thương hiệu trong bối cảnh Mỹ gia tăng các áp lực thương mại và chính trị. Được biết, bên mua là một tập đoàn gồm hơn 30 đại lý và nhà phân phối của thương hiệu Honor và Công ty TNHH Tập đoàn Phát triển Thành phố Thông minh Thâm Quyến.

Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei đang chịu nhiều áp lực kể từ khi Mỹ hạn chế quyền tiếp cận các nhà cung cấp toàn cầu chính. (Ảnh: Nikkei).

Huawei cho biết thương vụ này bao gồm bản quyền thương hiệu, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cũng như chuỗi cung ứng cùng 8.000 nhân viên của Honor.

Tuyên bố chung cũng tiết lộ việc thay đổi quyền sở hữu sẽ không ảnh hưởng đến hướng phát triển của Honor cũng như sự ổn định của đội ngũ nhân sự. Tập đoàn này cũng tuyên bố rằng họ sẽ tuân theo các quy tắc thị trường và cạnh tranh công bằng để có cơ hội kinh doanh giống như các đại lý và các nhà phân phối khác.

Việc bán bớt mảng sản xuất điện thoại giá rẻ, bình dân được coi là một quyết định quan trọng cho phép “gã khổng lồ” công nghệ – nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai trên toàn thế giới giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt từ  Mỹ. Theo các nhà phân tích trong ngành, đây cũng được coi là hành động “tự cứu chưa từng có” của các công ty công nghệ Trung Quốc khi đối mặt với áp lực từ bên ngoài.

Sau khi hoàn tất việc mua lại, Huawei sẽ không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào trong công ty Honor mới. Chi tiết về chi phí mua lại không được tiết lộ nhưng có thông tin đưa ra con số khoảng 15 tỷ USD cho tất cả tài sản của Honor.

Một số nhà phân tích cho biết, động thái này cũng được coi là nỗ lực toàn diện trong chuỗi cung ứng để cứu một thương hiệu nội địa đang phát triển, giống như “chặt cánh tay để cứu lấy thân mình”. Trường hợp này giống với mảng kinh doanh điện thoại thông minh cấp thấp hơn của Huawei đã từng phải đối mặt với áp lực to lớn từ Mỹ về lệnh cấm chipset (một nhóm các mạch tích hợp (các “chip”) được thiết kế để làm việc cùng nhau và đi cùng nhau như một sản phẩm đơn) và hạn chế công nghệ.

Huawei cũng cho biết trong một tuyên bố gần đây rằng “hoạt động kinh doanh tiêu dùng của họ đã phải chịu áp lực rất lớn”.

Ngoài kinh doanh điện thoại thông minh, Honor còn sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay và thiết bị đeo tay.

Trong quý III năm 2020, Huawei đã xuất xưởng 51,7 triệu chiếc điện thoại thông minh và điện thoại Honor chiếm 26% trong số đó, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, trích dẫn từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys.

Với lợi nhuận thấp của điện thoại thông minh giá rẻ, Honor đã ghi nhận tổng doanh thu khoảng 90 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019, với lợi nhuận ròng khoảng 6 tỷ nhân dân tệ. Doanh thu từ thương hiệu Honor chiếm 15% – 17% tổng doanh thu nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei và khoảng 8% – 9% tổng doanh thu của công ty. Do đó, việc bán tháo sẽ không có tác động đáng kể đến lợi nhuận của Huawei, theo một số phân tích.

Neil Shah – một nhà phân tích kỳ cựu của Counterpoint, nói với Global Times rằng: “Điều này thật đáng tiếc nhưng là một động thái rất hợp lý để cứu vãn công việc kinh doanh cho dòng kinh doanh Honor đang phát triển nhanh chóng của mình”. Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp Honor duy trì thị phần của mình tại Trung Quốc, Shah lưu ý.

Quan trọng hơn, việc bán bớt thương hiệu Honor sẽ giúp giảm bớt tác động lệnh cấm chipset của Hoa Kỳ đối với Huawei, vì hãng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dòng chipset Kirin cao cấp. Các nhà phân tích trong ngành cho biết, điện thoại thông minh Honor đã sử dụng ít chipset Kirin hơn và lệnh cấm đã “phủ bóng đen” lên việc ra mắt và cung cấp sản phẩm mới của hãng.

Các nhà phân tích lưu ý rằng việc bán đi thương hiệu này nhiều khả năng sẽ cho phép Honor sử dụng công nghệ và phần mềm liên kết như Google, và cũng có khả năng Honor có thể lấy lại cổ phần mà Huawei đã mất ở thị trường nước ngoài.

Được biết đội ngũ quản lý của Honor đã chỉ ra rằng thương hiệu này không hề bị ‘bỏ rơi’, vì hội đồng quản trị của công ty mới cũng được tạo thành từ “người của Huawei”, Ma Jihua – một nhà phân tích ngành kỳ cựu và là người theo sát Huawei nói với Global Times.

Huawei hiện phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phía chính phủ Mỹ khiến hãng chỉ có thể dùng hệ điều hành Android mã nguồn mở cho sản phẩm của mình, chứ không thể sử dụng các dịch vụ của Google. Mảng bán dẫn của công ty cũng gặp nhiều khó khăn và không thể sản xuất chip trong tương lai.

Honor hiện bán smartphone qua website riêng và qua các nhà bán lẻ tại Trung Quốc. Sản phẩm của hãng cạnh tranh chủ yếu với Xiaomi, Oppo và Vivo. Ngoài thị trường quê nhà, công ty còn phân phối sản phẩm tại Đông Nam Á và châu Âu.

Một số chuyên gia trong ngành cho biết quyền sở hữu minh bạch của Honor sẽ giải tỏa những nghi ngờ của chính phủ Mỹ, giúp họ tránh được các lệnh trừng phạt như các nhà cung cấp điện thoại thông minh Trung Quốc khác là Xiaomi và OPPO.

Doanh số bán hàng của Honor đã giúp Huawei vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới theo số lượng xuất xưởng vào năm ngoái. Và nó đã chiếm vị trí số 1 từ Samsung trong quý II năm nay. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu công ty có thể trụ vững ở vị trí này trong bao lâu?

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT