web analytics

Hội An: Nghề gốm Thanh Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia 19/09/2019

(KDTT) – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) – ông Nguyễn Ngọc Thiện – vừa ký chứng nhận nghề gốm Thanh Hà (Hội An) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là nghề truyền thống thứ 3 tại Hội An được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng gốm Thanh Hà là nơi còn bảo lưu nguyên vẹn quy trình chế tác gốm thủ công truyền thống cách đây gần 500 năm cùng nhiều giá trị tri thức dân gian gắn liền quá trình hình thành làng xã, phát triển đô thị thương cảng Hội An. Hiện làng nghề có 33 hộ sản xuất với 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và 1 thợ giỏi.

Du khách quốc tế tham quan một cơ sở làm gốm tại làng gốm Thanh Hà

Sản phẩm gốm Thanh Hà có hai dòng: gốm sành nâu còn gọi là đồ xanh, được nung với độ lửa cao từ 800 đến trên 1.000 độ C; dòng gốm đỏ, còn gọi là đồ đỏ, được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống. Gốm Nam Diêu – Thanh Hà gồm rất nhiều loại phục vụ dân dụng và xây dựng kiến trúc.

Đây là nghề thứ 3 tại Hội An được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Ngày nay, làng nghề đang trở thành tuyến tham quan du lịch, năm 2002 đón trên 3.000 lượt khách, đến năm 2018 đã có trên 600 nghìn lượt khách. Mồng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm, giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc.

Trước đó, Hội An đã có 2 nghề được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề khai thác yến sào Thanh Châu và nghề mộc Kim Bồng.

Theo Báo điện tử Công thương