web analytics

Hoài niệm từ làng ra phố 18/10/2018

(KDTT) – Sinh ra ở quê nhưng lớn lên cùng phố, ký ức về làng và phố luôn song hành và thôi thúc lớn dần, để từ đó, họa sĩ Vũ Đình Lương cho ra mắt triển lãm tranh với tên gọi “Từ làng ra phố”. Qua 36 tác phẩm từ màu nước, sơn mài, sơn dầu và acrylic, câu chuyện làng và phố được kể hồn nhiên, giản dị như những trải nghiệm của chính tác giả.

Tác phẩm “Ruộng cộc quán rồng” – hình ảnh tại làng quê Thường Tín bằng chất liệu sơn dầu
Ảnh: H.Nhung

Hầu như mỗi người sinh ra đều có làng quê của riêng mình, và những hình ảnh về làng quê sẽ gắn bó sâu đậm, trở thành ký ức trân quý. Cơ hội được đi qua rất nhiều vùng miền từ Bắc vào Nam đã mở ra cho nhà báo, họa sĩ Vũ Đình Lương nhiều trải nghiệm. Dù hăng say với nghề nhưng anh vẫn không nguôi cảm xúc với tình yêu về làng quê. Không gian làng và phố với cảnh vật quen thuộc như cánh đồng không trồng cấy, khu tập thể cũ… đều được vẽ lại vì tác giả biết rằng một mai nó sẽ không còn nữa, đô thị hóa sẽ tràn về, thay vào đó là chung cư, nhà xưởng…

Như trong tác phẩm “Ruộng cộc quán rồng”, người xem nhìn vào giống như một biển lúa, nhưng thực tế đó hoàn toàn là cánh đồng cỏ dại của một làng quê gần Hà Nội từng là mảnh đất nuôi sống biết bao con người, gia đình ở đó, nhưng nay bị bỏ hoang vì người dân xu hướng không làm ruộng nhưng vẫn giữ đất và chuyển đổi sang làm những công việc khác đem lại thu nhập cao hơn, vì thế nông nghiệp của vùng quê này đã bị quên lãng. Hay trong loạt tác phẩm màu nước về vùng sông nước Hậu Giang, những nét vẽ mềm mại, bay bổng thể hiện nét dung dị cảnh đời sống của người dân nơi đây, tuy nghèo khó nhưng vẫn đầy lạc quan, bình yên mà rất sinh động. Những căn nhà làm bằng thân  và lá dừa nước nằm ven kênh, rạch đặc trưng của mảnh đất Hậu Giang kiên cường trong đấu tranh nhưng cũng rất bình dị, êm ả.

Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Mỗi bức tranh là một câu chuyện nhỏ, một cảm xúc bất chợt, cảnh vật đó nhiều khi rất thân quen. Bằng nghệ thuật thể hiện gợi nhiều hơn tả, ấn tượng chủ nghĩa cả trong sơn mài, còn màu nước lại nhẹ nhàng đôi chỗ bảng lảng mây nước, cây lá. Tác giả muốn lưu giữ hình ảnh những năm đầu thế kỷ XXI với những thay đổi cũ – mới đan xen trong đời sống làng và phố”.

Loạt tác phẩm về đời sống làng quê vùng sông nước Hậu Giang bằng chất liệu màu nước
Ảnh: H.Nhung

Hiện nay, mọi thứ tồn tại gần như trong một thế giới phẳng. Làng và phố không còn sự phân biệt rõ ràng. Những ngôi làng giáp ranh Hà Nội vẫn đang tiếp tục đổi mới trên con đường đô thị hóa. Theo Vũ Đình Lương, mọi thứ đến lúc phải thay đổi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác. Tuy nhiên, ý thức gìn giữ văn hóa làng, phố, quê hương của những người dân sinh sống trong cộng đồng đó vẫn luôn thiết tha. Có thể cuộc sống hiện đại hơn, kinh tế tốt hơn, người dân quê cũng có nhu cầu xây dựng những ngôi nhà mới khang trang, hiện đại hơn, nhưng vẫn có những người giữ được cốt cách làng quê, mà vẫn hòa nhập với cuộc sống hiện đại.

Những bức tranh làng quê hay phố thị của Vũ Đình Lương đã phản ánh những nét hay, nét đẹp của làng quê Việt Nam với cốt cách tinh thần cuộc sống của dân tộc. Và “trong muôn vàn hình ảnh, thay đổi, tôi vẫn tâm niệm việc “gạn đục khơi trong”, góp phần nhỏ của mình giữ lại hình ảnh hồn cốt nào để thế hệ mai sau được biết, được thấy một cách hệ thống qua triển lãm này với những ngôi nhà, cuộc sống xóm làng từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền núi, biên giới đến những vùng sâu xa…”, họa sĩ Vũ Đình Lương khẳng định.

Theo: KDPT