web analytics

Hiệu quả đạt được từ chương trình xúc tiến thương mại 27/10/2020

(KDTT) – Mặc dù kinh phí hỗ trợ của Nhà nước dành cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) còn hạn chế, nhưng với sự đa dạng hóa hình thức và không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả, Chương trình XTTM quốc gia do Bộ Công thương khởi xướng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu, củng cố và phát triển thị trường trong nước.

Nhiều hoạt động về XTTM đã được tổ chức để mở rộng thị trường XNK hàng hóa

Công tác XTTM phát triển xuất khẩu và mở rộng thị trường

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ngân sách Nhà nước đầu tư cho XTTM hạn chế, Cục XTTM (Bộ Công Thương) đã tập trung phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nhằm triển khai các hoạt động XTTM, hỗ trợ phát triển ngoại thương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể là Chương trình XTTM quốc gia (nay là Chương trình cấp quốc gia về XTTM).

Qua tổng kết đánh giá, trong suốt thời gian 05 năm qua, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục qua các năm từ 2016 – 2019 và  chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu và các dịch vụ kèm theo. Đặc biệt, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 (trong đó có 31 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD) và tăng 8,7% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2018 và tăng 7,9% so với năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,118 tỷ USD. Với sự hỗ trợ của hoạt động XTTM, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (2019).

Trong giai đoạn 2016 – 2019, với vai trò thường trực Ban Quản lý Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Cục XTTM đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt 776 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng. Đây là các đề án có trọng tâm, trọng điểm và bao gồm 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động XTTM với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng, Cục XTTM đã sáng tạo, chủ động xây dựng và thực hiện thí điểm hoạt động XTTM trên các ứng dụng trực tuyến (webinar) giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu, giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh. Cụ thể, Cục XTTM đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan XTTM nước ngoài tổ chức 20 hoạt động XTTM trực tuyến (gồm 17 hội nghị giao thương trực tuyến và 03 hội thảo trực tuyến) kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria… Các hoạt động trực tuyến tuy chưa mang lại kết quả thiết thực như các hoạt động XTTM truyền thống (giao tiếp trực tiếp với khách hàng), nhưng đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, duy trì quan hệ với các đối tác nước ngoài đồng thời tiếp xúc, làm quen ban đầu với khách hàng mới, đặt nền móng ban đầu trong xây dựng quan hệ đối tác, tạo tiền đề cho hoạt động XTTM hiệu quả hơn khi tiến tới gặp gỡ trực tiếp, đàm phán đơn hàng cho các giai đoạn tiếp theo.

Nhờ hoạt động XTTM, sản phẩm hàng Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế

Xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng nội địa

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các khó khăn trên, kích cầu tiêu dùng nội địa và hưởng ứng tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale  2020”.

Theo thống kê, đã có hơn 27.450 chương trình khuyến mại do doanh nghiệp thực hiện để hưởng ứng Chương trình này, trong đó có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 80% đến 100%; có 1.100 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 60% đến 79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 50% đến 69%. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông … thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia đã tác động tích cực đến việc tiêu dùng nội địa trong nước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2020 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, (tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, (tăng 2,6% so với tháng trước); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, (tăng 9,2% so với tháng trước); doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, (tăng 29,6% so với tháng trước); doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, (tăng 2% so với tháng trước). Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 đạt 13,9 nghìn lượt người,(tăng 58,7% so với tháng trước), chủ yếu là khách quốc tế nhập cảnh bằng đường bộ.

TRƯỜNG MINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT