web analytics

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long 02/10/2020

(KDTT) – Sau hơn mười năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tích cực triển khai thực hiện, giúp nhiều lao động nông thôn có nghề, việc làm ổn định và tăng thu nhập gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, khó khăn cần được tập trung tháo gỡ.

Lớp đóng da giày ở trung tâm dạy nghề TP. Sóc Trăng.

Nhiều nông dân có việc làm ổn định

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, Trần Thị Xuân Mai cho biết: Tính đến nay, 82 cơ sở dạy nghề của thành phố đã mở được 1.415 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 28 nghề, gồm nhóm nghề nông nghiệp (chiếm 26%) và nhóm nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động chiếm (74%). Phổ biến là các nghề may gia dụng, đan đát, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng, tin học được tổ chức theo hình thức lưu động tại các xã, phường. Nhờ thực hiện tốt việc dạy nghề cho lao động gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh-dịch vụ mà kiến thức và kỹ năng của người lao động được nâng lên, 80% số lao động sau khi học nghề đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay và có thu nhập ổn định. Đã có nhiều mô hình việc làm hiệu quả ở các địa phương, như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y (xã Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh); nuôi trồng thủy sản (phường Thới An, quận Ô Môn); nuôi cá thác lác, cá lóc (xã Thới Đông, Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ); trồng hoa kiểng (phường Long Tuyền, Trà An, quận Bình Thủy))… Vì vậy, TP Cần Thơ có nhiều điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm khi tiếp tục thực hiện Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và được chọn làm điểm chỉ đạo cho cả khu vực ĐBSCL. Hiện nay, TP Cần Thơ là đơn vị duy nhất của cả nước xây dựng và thực hiện thành công Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn. Theo đó, đào tạo nghề ngắn hạn bình quân khoảng 5 nghìn lao động/năm và đào tạo nghề trung cấp 750 lao động/năm, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề 30% và tỷ lệ lao động của thành phố được đào tạo nghề là 55% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm sau khi học nghề 75-80% trong tổng số lao động được đào tạo nghề của đề án, trong đó 60% tìm thêm việc làm mới tại hộ gia đình và 40% tìm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Lớp dạy may công nghiệp ở thị xã Vĩnh Châu.

Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc với số dân hơn 1,2 triệu người, trong đó có 73% đang ở độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động của tỉnh theo ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp và thủy sản. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp    hiệu quả để tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn. Trước hết, từng bước đổi mới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, mở các lớp dạy nghề một cách chọn lọc những nghề thế mạnh có khả năng phát triển ở địa phương. Tỉnh cũng sớm ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn, gồm 75 nghề mang tính đặc thù của từng địa phương như lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng… Trong đó, nổi bật có nghề nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất tôm khô, làm khô mực, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…..Kết quả, tỷ lệ lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt hơn 80%.  Thu nhập của người lao động sau khi được học nghề cũng tăng hơn 50% so với trước khi học nghề. Kết quả này góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 42 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Lớp dạy sửa xe ở TT giáo dục nghề nghiệp huyện Đầm Dơi – Cà Mau.

Sóc Trăng hiện có nguồn lao động khá dồi dào, với hơn 700 nghìn người, trong đó phần lớn là lao động ở nông thôn. Vì vậy, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được tỉnh, các ngành chức năng quan tâm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, Sóc Trăng đã phát triển mạng lưới, quy mô đào tạo nghề đa dạng, với một trường cao đẳng nghề, một trung tâm giới thiệu việc làm, một trường trung học chuyên nghiệp có dạy nghề, 11 trung tâm dạy nghề cấp huyện, thành phố, một phân hiệu trường cao đẳng nghề ngoài công lập và hơn 200 tổ chức, cá nhân cùng nhiều làng nghề truyền thống tham gia dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề được trang bị khá đầy đủ phương tiện thiết bị phục vụ cho đào tạo nghề. Để thực hiện mục tiêu Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh ban hành quy chế hoạt động; kế hoạch tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình dạy nghề; các huyện, thành phố trong tỉnh đều thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá nhu cầu đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn, làm căn cứ xây dựng đề án của địa phương. Những ngành nghề được chọn lựa đều cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, nhất là phục vụ cho xuất khẩu lao động. Các trung tâm dạy nghề ở các huyện đều có chương trình đào tạo ngắn hạn (ba tháng) cho lao động nông thôn về chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Qua học tập, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất của lực lượng lao động nông thôn được nâng lên, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển. Giá trị thu nhập bình quân trên một ha của tỉnh liên tục tăng từ 40 triệu/ha năm 2010 lên 75 triệu đồng/năm 2019. Năm 2019, toàn tỉnh có 25.501 lao động được học nghề, chủ yếu là lao động nông thôn, đạt 104,08% kế hoạch và 70% lao động sau khi học nghề có việc làm. Kết quả này góp phần giải quyết đáng kể tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đồng thời nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông nghiệp ở nông thôn. Nhờ được đào tạo nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, Sóc Trăng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo khá nhanh từ 24,73% năm 2010 xuống còn 4,91% năm 2019.

Mô hình gia công đan sọt nhựa xuất khẩu của tổ phụ nữ ấp Bầu Sen, Xã Tân Duyệt huyện Đầm Dơi – cà Mau.

Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH An Giang, toàn tỉnh có 154 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động lao thôn đến năm 2020. Không chỉ chính quyền, và các tổ chức dạy nghề, Hội Nông dân các cấp của An Giang cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là các đối tượng hội viên, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm nông dân An Giang đứng ra xây dựng, biên soạn tài liệu, tư vấn nghề, đào tạo nghề, điều tra đánh giá hiệu quả sau khi học nghề, giới thiệu giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời tổ chức bồi  dưỡng kiến thức, kỹ năng truyên truyền cho đội ngũ cán bộ hội nông dân cơ sở về kỹ thuật sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, các biện pháp hạ giá thành sản phẩm, kiến thức về thị trường… nhằm hướng dẫn cho người lao động ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Kết quả năm qua có khoảng 9.000 lượt lao động được tư vấn nghề, hơn 2.000 lao động được đào tạo nghề và có việc làm tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Với những nỗ lực của các địa phương trong công tác đào tạo nghề ở ĐBSCL đã tạo điều kiện cho lao động nông thôn có cơ hội được học nghề phù hợp và có việc làm, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm cũng như tỷ lệ hộ nghèo hằng năm. Mặt khác, nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của việc học nghề, có việc làm đối với phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời còn góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ đang thực hiện.

Lớp dạy sửa chữa điện ở TT dạy nghề Đồng Nai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì thực tế trong quá trình triển khai thực hiện đề án vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của người lao động về học nghề. Trong khi, một bộ phận lao động nông thôn tham gia học nghề đều lớn tuổi, trình độ học vấn thấp, còn ngại khó, chưa xác định động cơ học nghề đúng đắn nên không tìm được việc làm sau đào tạo. Hơn nữa, từ trước tới nay nông dân chỉ quen với cách sản xuất truyền thống, khi được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới bà con tiếp thu chậm, thậm chí lại quay về với cách làm cũ, rồi ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số bà con khác chưa an tâm về việc làm sau khi học nghề; muốn sống được với nghề, người lao động phải học thêm để nâng cao tay nghề, có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng chưa được các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện. Việc chọn nghề để đăng ký nhu cầu đào tạo còn tự phát, chưa khoa học, cũng như chưa gắn kết với định hướng phát triển của địa phương nên chưa phát huy hiệu quả giải quyết việc làm. Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương còn nặng tính hình thức; ngành nghề đào tạo đơn điệu, chủ yếu là tin học, cắt may, cơ khí, sửa chữa xe… Chương trình giáo dục, đào tạo dạy nghề vẫn còn cứng nhắc, chưa kịp thời cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới, chưa huy động được doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề tham gia đào tạo; đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều cơ sở dạy nghề chưa coi trọng chất lượng đào tạo, cơ cấu nghề. Do vậy, nhiều lao động tuy đã qua đào tạo, nhưng khi doanh nghiệp tuyển dụng lại phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề cũng bất cập, thiếu khoa học; máy móc, thiết bị tuy được trang bị, song lại thiếu đồng bộ. Ở một số địa phương dạy nghề chưa sát với nhu cầu thị trường sử dụng lao động, cũng như đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề mất cân đối, gây lãng phí không ít tiền của Nhà nước…

Sau khi được đào tạo nghề, người lao động áp dụng làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Để Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc tập trung khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém, các địa phương ở ĐBSCL cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề; mở rộng mạng lưới dạy nghề, tăng quy mô đào tạo trung cấp nghề; phát triển đa dạng các loại hình và hình thức đào tạo nhằm tạo điều kiện cho người dân chọn được ngành, nghề phù hợp với trình độ, sở thích và gia cảnh của họ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; công khai các chế độ hỗ trợ đội ngũ giáo viên tham gia đề án đào tạo nghề cũng như các đối tượng học nghề; tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo, nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện để có thêm nhiều lao động nông thôn có tay nghề, thu nhập ổn định, trước mắt giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hỗ trợ vốn vay tạo việc làm. Đây cũng là giải pháp góp phần cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho sự phát triển của ĐBSCL ./.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT