web analytics

Hiệp định RCEP – Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế 24/11/2020

(KDTT ) – Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký giữa 10 nước thành viên ASEAN và 05 đối tác kinh tế lớn trong khu vực (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Newzeland) sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. 

Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trong trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trong trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta. Việc tìm kiếm và xây dựng thị trưởng ổn định cho các sản phầm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt với các sản phẩm mà ta có thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng,  không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn chuẩn bị sẵn sàng giúp ta ứng phó với những thách thức khó lường trong tương lai.

Trả lời câu hỏi của báo chí về thời gian hiệu lực của Hiệp định RCEP, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với các nước đó sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước.

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % – 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7% – 92% số dòng thuế.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác. Hiệp định RCEP cũng sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo những cam kết trong hiệp định này sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

TRƯỜNG MINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT