web analytics

Hãy “MAKE IN VIETNAM” và kể câu chuyện của riêng mình 16/02/2021

(KDTT) – Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu. Nhưng những đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, cùng việc chủ động sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới để làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp số đã giúp Việt Nam từng bước vươn lên, trở thành một quốc gia số.

Hết cơn bĩ cực, đến kì thái lai”

“Make in Vietnam” là khẩu ngữ được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ thông tin trong nước, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến nhiều lần tại “Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” ngày 9/5/2020, truyền đi thông điệp mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Chiến lược mang tính quốc gia này không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số mà còn đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số.

Chiến lược quốc gia “Make in Vietnam” ra đời không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số mà còn đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số.

Năm 2020 là năm lịch sử của ngành khoa học-công nghệ, khi Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và điện thoại 5G. Theo Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đây là một điều bất ngờ và rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.

Năm 2020, ngành công nghiệp ICT không chỉ có đóng góp to lớn trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, mà còn trở thành ngành có đóng góp rất lớn trong cơ cấu GDP của cả nước với khoảng 7,3%, nếu tính cả khối FDI thì sự đóng góp là hơn 16% GDP. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam tăng nhiều kỷ lục, đạt mức 28%, với 13.000 doanh nghiệp mới ra đời.

Năm 2020 cũng ghi nhận có doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trở thành OEM – nhà sản xuất thiết bị gốc. Tháng 9/2020, chỉ sau 9 tháng khánh thành nhà máy VinSmart tại Hòa Lạc, lô smartphone đầu tiên trong số khoảng 2 triệu chiếc đã được xuất khẩu sang Mỹ, đánh dấu việc trở thành một OEM đầu tiên của Việt Nam. Cũng chỉ sau 1 năm, VinSmart đã trở thành nhà sản xuất smartphone đầu tiên của Việt Nam vào Top 3 thương hiệu smartphone lớn nhất tại Việt Nam.

Bên trong nhà máy VinSmart tại Hòa Lạc, nhà sản xuất thiết bị gốc đầu tiên của Việt Nam.

Trong đại dịch Covid-19, Viettel đã triển khai ứng dụng Telehealth, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, trong 2 tháng đã triển khai với quy mô hơn 1000 điểm, tiến tới sẽ mở rộng tới 4000 cơ sở y tế cấp xã phường.

Được biết trong năm 2020, lần đầu tiên giải thưởng ‘Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam’ được tổ chức, nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ do người Việt, doanh nghiệp Việt sáng tạo tại Việt Nam, giải các bài toán của Việt Nam. Theo các chuyên gia, nhiều sản phẩm trong số này hoàn toàn có thể cạnh tranh ở nước ngoài.

Bàn đạp nâng cao tầm vóc quốc gia

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021.

Nếu trước đây, Việt Nam hướng đến vai trò “công xưởng của thế giới”, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ của công nghệ sản xuất, chỉ cần đáp ứng tỷ lệ nội địa hoá ở Việt Nam tăng cao, giờ đây, mục đích ấy đã được nâng tầm, chuyển dịch từ gia công sang chế tạo nhằm chủ động tạo ra những sản phẩm đậm chất trí tuệ Việt Nam.

“Nếu không ‘Make in Vietnam’, chúng ta sẽ không thể ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và khó để có thể trở thành một nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Việt Nam đã có một năm 2020 thành công đậm nét với “lời hiệu triệu Make in Vietnam”. Tuy nhiên để thổi bùng ngọn lửa này, cần có một quá trình dài, liên tục, với nhiều sự bứt phá hơn nữa. Nói khác đi, các nền tảng số muốn vươn ra nước ngoài, trước hết nên đảm bảo sự sinh tồn tại thị trường thân quen nhất, đó là thị trường nội địa và để cạnh tranh với những nền tảng đã có sẵn với nhiều người sử dụng, không còn cách nào khác ngoài gia tăng tính khác biệt và nội địa hóa. Ngoài ra, Việt Nam cần tạo không gian thử nghiệm cho các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số, đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển hạ tầng số, kinh tế số.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng các sản phẩm công nghệ số Việt Nam có khả năng giải quyết bài toán của người Việt thì cũng hoàn toàn có khả năng cung cấp cho thị trường quốc tế. Trong các lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam có thể có khoảng cách khá xa với thế giới nhưng trong nền “công nghiệp trí tuệ”, Việt Nam gần như xuất phát cùng các nước khác và đây cũng là thời cơ cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tạo ra dấu ấn riêng.

‘Make in Vietnam’ đang mở ra một cách cửa thần kỳ để doanh nghiệp tự mình lột xác, mở ra lối đi mới để Việt Nam có thể trở thành cường quốc công nghệ, và cũng đang là động lực, là hành trình để Việt Nam trở thành quốc gia số, xã hội số. Năm 2021 Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại những chuyển biến sâu rộng hơn nữa trong nền tảng số, chuyển đổi số. Như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nói, đã đến lúc kể câu chuyện Việt Nam bằng khẩu hiệu “Make in Vietnam”: “Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy “Make in Vietnam” và kể câu chuyện Việt Nam của riêng mình”.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT