web analytics

Hành trình của “Điểm đọc Việt Nam” 14/10/2020

(KDTT) – Với mong muốn khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu sách, văn hoá đọc, các thành viên của dự án “Điểm đọc Việt Nam” đã xây dựng hệ thống các thư viện miễn phí với hơn 40 điểm tại 63 tỉnh thành trên dải đất hình chữ S.

Bắt đầu từ mong ước của một người thèm đọc sách

“Điểm đọc Việt Nam” là dự án được những người yêu sách phát động đầu tiên ở Hà Nội với mong muốn xây dựng, lan tỏa và kết nối các trạm đọc trong cả nước. Hiện tại, “Điểm đọc Việt Nam” đã có mặt trên khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với số lượng thành viên tham gia và hưởng ứng lên đến gần 4.000 người để tiến hành quyên góp sách. Mỗi đội là một đầu cầu và mỗi người là điểm kết nối để đưa dự án đi xa hơn.

Ý tưởng đầu tiên của dự án bắt đầu từ Cao Thị Sao Mai, cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cũng là người sáng lập dự án “Điểm đọc Việt Nam”. Sinh ra và lớn tại một vùng quê, ít có cơ hội và điều kiện tiếp xúc với sách nên ngay từ những ngày còn nhỏ, Cao Thị Sao Mai, sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội ước mơ lớn lên sẽ làm việc liên quan đến sách.

Và việc cho ra đời dự án Điểm đọc Việt Nam vào ngày 5-7-2018 là một trong những cách để Mai hiện thực hóa ước mơ thuở bé ấy. “Bản thân mình ngày xưa  hồi bé ở quê, cũng có rất ít cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với sách, nên ngay từ nhỏ mình đã ước mơ lớn lên sẽ làm cái gì đó liên quan đến sách. Nhưng lý tưởng của mình còn to hơn cả Điểm Đọc. Tuy nhiên mình chọn làm dự án này trước, vì nó phù hợp với khả năng của mình hiện tại nhất” – Sao Mai chia sẻ.

Ngoài ra, mong muốn tạo điều kiện cho các bạn ở vùng quê khó khăn có thể tiếp xúc với sách nhiều hơn và đóng góp sức lực nhỏ bé của bản thân vào việc thay đổi văn hóa đọc ở Việt Nam cũng là một trong những lí do khiến cô sinh viên quyết tâm thực hiện dự án của mình.

Bất kỳ một dự án nào cũng có khó khăn của nó, điểm đọc cũng không ngoại lệ. Mai chia sẻ: “Để tìm những người đồng hành thật sự tâm huyết và có khả năng là vô cùng khó. Vì dự án này gần như mọi người làm hoàn toàn miễn phí nên nếu những người tham gia không hiểu rõ về Điểm đọc Việt Nam thì sẽ rất dễ chán và bỏ cuộc.

Ảnh minh họa.

Đến giờ, mình vẫn cảm thấy may mắn vì luôn có những đồng đội tuyệt vời bên cạnh, gắn bó suốt thời gian qua”. Sau 2 năm, Sao Mai đã có những bước chân đầu tiên chạm đến giấc mơ của mình. Cô tự hào khi vẫn luôn tìm cách xoay xở, “tự thân vận động” để thực hiện các dự án hoàn toàn miễn phí.

“Khó nhất là tiếp cận với những người chưa thích đọc sách. Những người tìm đến dự án thường là người đã yêu thích, nhưng điều mà Điểm đọc cần nhất chính là tiếp cận được với những người chưa có thói quen đọc sách, gieo niềm đam mê cho họ. Mình đã từng gặp trường hợp, có một bạn nhỏ rất thích đến điểm đọc sách nhưng cha mẹ lại không thích, thường bắt về học và cho rằng học sẽ có ích hơn nhiều so với việc đọc sách” – Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, có nhiều khi các thành viên dự án căng thẳng vì thấy không tiến triển. Cũng có nhiều bạn rời bỏ dự án rồi lại xin quay lại. Bản thân Mai lúc ấy mới là sinh viên năm thứ ba, chưa nhiều kinh nghiệm trong nhiều việc nhưng may mắn là luôn có người hỗ trợ, giúp đỡ. Khởi đầu gian khó ấy, những thành viên nhiệt tình của “Điểm đọc Việt Nam” đã cùng nhau vượt qua. Điểm đọc Việt Nam chính thức được ra mắt đầu tiên vào ngày 5-7-2018. Sau hơn 2 năm, mô hình này đã có mặt tại gần 40 tỉnh thành, có địa phương có từ 2 – 5 cơ sở. Hà Nội là nơi Điểm đọc hoạt động mạnh nhất với khoảng 7 cơ sở.

Hơn 10.000 đầu sách giúp lan toả văn hoá đọc

Với khẩu hiệu “Khơi nguồn đọc sách – Kết nối yêu thương – Lan tỏa tri thức”, đối tượng của các điểm đọc không giới hạn độ tuổi, chỉ cần có tinh thần vì cộng đồng và yêu thích đọc sách. Độc giả sẽ được đắm chìm trong không gian của sách, được thoải mái lựa chọn các cuốn sách mà mình yêu thích, nghiền ngẫm tại chỗ hoặc có thể mượn về nhà. Không chỉ vậy, đây còn là nơi để mọi người cùng nhau chia sẻ những cuốn sách hay, từ đó cùng nhau trau dồi, nâng cao kiến thức.

Mai cho biết, ở mỗi điểm đọc, các bạn không chỉ chia sẻ câu chuyện trong sách mà còn chia sẻ câu chuyện cuộc đời, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống và cùng làm các công việc thiện nguyện, để cùng nhau phát triển, trưởng thành, hướng đến một thế hệ Việt Nam tri thức.

Là một trong những tình nguyện viên đồng hành cùng điểm đọc từ những ngày đầu tiên, bạn Lưu Thị Thu Thảo, cựu Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Điểm đọc Việt Nam ngoài việc tạo ra một không gian dành cho những người yêu sách, điều quan trọng nhất mà chúng mình hướng tới là có thể khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách trong giới trẻ.

Đối tượng Điểm đọc hướng đến là lan tỏa văn hóa đọc cho các bạn trẻ – những người đang bị cuốn vào thời đại phát triển công nghệ 4.0 mà quên mất những giá trị to lớn mà sách mang lại. Bên cạnh đó các bậc làm cha làm mẹ và các em học sinh chuyển giao giữa mầm non lên đến cấp 1 cũng là những đối tượng cần được chú ý tới. Phải giúp các bậc phụ huynh hiểu được tại sao phải đọc sách, đọc sách như thế nào cho đúng, để truyền văn hóa đọc tới các con, các bé nhỏ ngay từ tấm bé thì mới hình thành thói quen sớm và niềm đam mê với sách”.

Đây cũng là mục tiêu chính mà Điểm đọc Việt Nam hướng đến trong thời gian tới. Thay vì thực hiện các điểm đọc, thư viện miễn phí, điều quan trọng nhất của mỗi điểm này đó là phải nuôi được văn hoá đọc. Để làm được điều đó, dự án Điểm đọc Việt Nam luôn hướng đến việc đào tạo hướng dẫn để thành lập các mô hình điểm đọc thay vì chỉ mang sách đến một nơi như nhiều đơn vị đang thực hiện.

“Chúng mình không giữ độc quyền, cũng không cần giữ tên quá nhiều, chỉ cần ai có mong muốn làm một điểm đọc thì mình sẽ hướng dẫn toàn bộ cách thực hiện. Sau đó, người thực hiện điểm đọc này có thể giữ nguyên tên hoặc đổi tên cũng không thành vấn đề. Thêm vào đó, các điểm đọc tại một tỉnh thành giống như một kho chung, có sự trao đổi và luân chuyển sách với nhau tạo nên sự đa dạng về đầu sách cho người đọc” – Thu Thảo chia sẻ thêm.

Thời gian tới, Điểm Đọc vẫn tiếp tục mở rộng các thư viện miễn phí trong các chương trình: Điểm đọc Vùng Cao, Điểm đọc nông thôn, Điểm đọc tại gia, Điểm đọc chung, trong chuỗi mô hình Điểm đọc! Và nhân rộng ra 63 tỉnh. Điểm đọc Việt Nam vẫn đang trên đường hoàn thành sứ mệnh của mình để đem sách đến tay người cần, tạo không gian cho những người yêu sách giao lưu và lan tỏa văn hóa đọc, hướng tới một thế hệ Việt Nam tri thức.

KHÁNH HUY

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.vn/hanh-trinh-cua-diem-doc-viet-nam-213344.html