web analytics

Hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng 13/06/2019

(KDTT) – Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất. Đặc biệt là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ảnh minh họa.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp phát hiện các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ. Điển hình, cuối tháng 4/2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở sản xuất nước giặt giả (tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn) do ông Thái Văn Tâm làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 524 chai nước giặt (dung tích 3,6 kg) mang thương hiệu của Công ty TNHH LABICO Ánh Dương (trụ sở tại phường Đức Giang, quận Long Biên). Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ thêm 25 kg nhãn mác, 240 thùng carton và 170 chai nước giặt đã dán nhãn, nhưng chưa đóng hàng. Ngoài ra, cơ sở này còn sản xuất thêm loại nước giặt, xả mang thương hiệu “Paris”, nhưng không đúng theo đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ.

Mới đây nhất, ngày 8/5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng của Công ty cổ phần thép tổng hợp An Phát và điểm tập kết hàng hóa của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BKH Việt Nam, phát hiện nhiều ống thép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của doanh nghiệp khác. Cụ thể, tại địa chỉ BT.4 (Khu đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội), đoàn kiểm tra phát hiện 45 ống thép mạ kẽm nhãn hiệu HOA PHAT và logo các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ống thép Hòa Phát, cùng một máy in Citronix Model: Ci 700 Serial: 0409069E; 5 bản in lưới nhãn HOA PHAT và logo, 26 bản in lưới các loại.

Mở rộng kiểm tra tại tòa nhà Thiên niên kỷ (số 4 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), Đoàn kiểm tra phát hiện thêm 8 ống thép mạ kẽm nhãn hiệu HOA PHAT và logo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Hòa Phát và khoảng 33 tấn ống  thép các loại đã sơn màu đỏ.

Theo đại điện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BKH Việt Nam, số ống thép mạ kẽm trên (khoảng hơn 33 tấn) thuộc sở hữu của Công ty BKH. Đơn vị này mua của Công ty cổ phần Thép tổng hợp An Phát sau đó chuyển đến tập kết tại công trường tòa nhà Thiên niên kỷ để thi công.

Có thể thấy, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm SHTT luôn song hành cùng nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu rồi bán ra thị trường. Tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là “xâm phạm quyền” đối với nhãn hiệu (cách điệu chữ viết, hình ảnh) và kiểu dáng (màu sắc, hình dáng) công nghiệp đã được bảo hộ.

Nếu như trước đây, đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt động nhỏ lẻ thì nay, đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao hàng tận tay, nhưng nguồn gốc, xuất sứ và chất lượng thì rất khó kiểm soát.

Ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cho biết, mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn rất phức tạp, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất chân chính, tổn hại đến người tiêu dùng…

Trong thời gian tới, để việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản bảo đảm tính thống nhất; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc tiêu thụ hàng giả, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ… Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm và công khai để có tác dụng răn đe.

Bích Phương
Nguồn chinhphu.vn