web analytics

Hà Tĩnh: Sản xuất kinh doanh không tuân thủ ĐTM tại trang trại gần 80 nghìn mét vuông 02/01/2022

(KDTT) – Theo người dân phản ánh, thời gian gần đây, trang trại chăn nuôi có hàng trăm con lợn, với diện tích gần 80 nghìn m2 tại thôn Vinh Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) liên tục xả một lượng lớn nước thải không qua xử lý ra môi trường. Ghi nhận ban đầu cho thấy, nguồn nước khu vực xả thải đã chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nông nghiệp của dân cư xung quanh, khiến bà con vô cùng bức xúc.

Nước thải ô nhiễm chảy thẳng vào các đồng ruộng.

Dự án sản xuất giống lợn siêu nạc và lợn thịt thương phẩm do ông Nguyễn Tiến Sơn làm chủ đầu tư có tổng diện tích 79.671,7m2, gồm 15 chuồng, với 350 con lợn nái sinh sản, 07 con lợn đực giống (sản xuất 2.800 con lợn giống/năm) và 7.000 con lợn thịt thương phẩm/năm. Với quy mô này, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi vào môi trường khoảng 71m³/ngày đêm.

Cách khu vực chăn nuôi khoảng 200m có mương tiêu thoát nước nội đồng và cấp nước tưới tiêu thủy lợi cho vùng đồng Trậm Trì. Qua ghi nhận của phóng viên cho thấy, nước thải chăn nuôi của trang trại có màu đen kịt, hôi thối nồng nặc, được chủ cơ sở chăn nuôi xả trực tiếp vào mương tiêu. Màu đen của nước thải trải dài trên mương nước khoảng 500m, sau đó nhập vào kênh nội đồng rồi đổ thẳng vào sông Quèn.

Nước thải từ mương này đổ ra kênh nội đồng.

Nước thải chăn nuôi còn được xả thẳng vào ruộng của một số hộ dân lân cận mà không qua xử lý. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Sơn – chủ trang trại cho rằng: “Chúng tôi xả nước thải là để cho bà con nông dân tưới tiêu vào đồng ruộng”. Tuy nhiên, khi hỏi ông Sơn về việc nước thải chăn nuôi xả ra môi trường đã đạt chuẩn theo theo quy định hay chưa, thì ông Sơn chỉ trả lời qua quýt rằng: “Chăn nuôi thì không thể tránh khỏi việc gây ô nhiễm”.

Bằng cảm quan cũng có thể nhận thấy, với màu nước đen kịt, với mùi xú uế nồng nặc thì không một ai dám khẳng định, nước thải chăn nuôi đã đạt các thông số tại cột B (Kq = 0,9; Kf = 1,2), QCVN 62 – MT:2016/BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2016. Ông Sơn cũng cho biết, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định 1608/QĐ – UBND ngày 29/3/2021 thì mỗi năm đơn vị có trách nhiệm thực hiện quan trắc chất lượng nước 02 lần, nhưng năm 2021, đơn vị chỉ thực hiện 01 lần. Về vấn đề này, ông Sơn khẳng định đơn vị chưa tuân thủ theo những nội dung đã cam kết.

Toàn cảnh Dự án chăn nuôi.

Nước thải trước vị trí tiếp nhận ra môi trường ngoài khu chăn nuôi được tích trữ tại hồ chứa rộng khoảng 300 mét vuông.

Từ ống kính máy quay, phóng viên cũng ghi nhận hệ thống công trình bảo vệ môi trường mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp, thậm chí có những hạng mục không đủ số lượng hoặc không vận hành theo đúng quy định. Cụ thể, tại mục 4 Phụ lục kèm theo Quyết định 1608/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì số lượng bể biogas là 04 bể, nhưng hiện tại chỉ có 03 bể, và trong đó 02 bể có dấu hiệu không vận hành.

Việc xử lý nước thải chăn nuôi lợn chứa hàm lượng chất hữu cơ cao sẽ phát sinh ô nhiễm và làm phát thải khí nhà kính khổng lồ. Áp dụng công nghệ biogas (khí sinh học) vào xử lý chất thải hữu cơ là một tiến bộ kỹ thuật cần được áp dụng. Đây là giải pháp phổ biến làm giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe của người dân.

Hệ thống biogas giúp giảm mùi hôi và cải thiện cảnh quan, tạo ra môi trường xanh, sạch cho các hộ chăn nuôi do chất thải được tập trung và nạp vào bể biogas. Quá trình phân hủy yếm khí giúp tiêu diệt trứng giun, sán, mầm bệnh, mùi hôi thối không bị phát tán ra xung quanh. Hơn thế, kỹ thuật phân hủy yếm khí trong bể biogas cho thấy, hiệu quả xử lý nước thải tốt hơn so với các phương pháp truyền thống khác do các chất hữu cơ được phân hủy một phần, do đó, nước thải sau biogas có hàm lượng chất hữu cơ thấp và ít mùi hôi. Các hầm biogas còn giúp giảm tình trạng thải trực tiếp chất thải ra môi trường của cơ sở chăn nuôi, qua đó, giảm được ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Vì vậy, việc xây dựng và vận hành đúng quy định hệ thống bể biogas là một cam kết nghiêm túc và có tính bắt buộc trong ĐTM, là cơ sở để cơ quan Nhà nước phê duyệt cho Dự án chăn nuôi của hộ ông Sơn được đi vào hoạt động. Hiện tượng hư hỏng và không vận hành bể biogas và một số hạng mục công trình bảo vệ môi trường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc nước thải ô nhiễm xả ra môi trường như đã nêu trên. Người dân địa phương rất mong cơ quan chức năng, chính quyền sớm vào cuộc kiểm tra để doanh nghiệp chấn chỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

 

Bạn đang đọc bài Hà Tĩnh: Sản xuất kinh doanh không tuân thủ ĐTM tại trang trại gần 80 nghìn mét vuông
 tại chuyên mục Bạn đọc.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT