web analytics

Hà Nội khác lạ giữa mùa dịch Covid 12/03/2020

(KDTT) – Một Hà Nội vốn quen thuộc với sự chen chúc, tiếng còi xe ồn ào mỗi giờ tan tầm; quán xá tấp nập ngày đêm;…. giờ đây được thay bằng sự vắng vẻ, thưa thớt, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khu phố cổ Hà Nội, vốn rộn ràng quán xá, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số cơ sở đã phải tạm đóng cửa, thậm chí nghỉ bán, sang nhượng cửa hàng. Lượng du khách giảm khiến các cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn.

Những cửa hàng này vốn là nơi bày bán các sản phẩm, món ăn đặc trưng của người dân Thủ đô, thường được khách du lịch quốc tế lui tới để chọn mua quà lưu niệm.

Không chỉ riêng phố cổ, nơi được mệnh danh là “Thiên đường mua sắm” của sinh viên các trường Báo chí, Sư phạm vốn ồn ào náo nhiệt, cũng trở nên thưa thớt do sinh viên vẫn đang được nghỉ học.

Các chủ cửa hàng vẫn bày bán nhưng người mua khá thưa thớt.

Chị Trương Ngọc Ánh, chủ ki-ốt bán giày cho biết: “Chúng tôi mở bán lại từ rất sớm, nhưng do dịch bệnh, các bạn sinh viên không lên học nên vắng khách lắm, thậm chí có những ngày bày hàng ra, chỉ có người bán nhìn nhau chứ không có người mua. Tiền thuê địa điểm vẫn phải đóng, cứ thế này thì lỗ nặng”.

Nơi đây không còn đông đúc, náo nhiệt như thường ngày.

Nhiều cửa hàng đóng cửa vì không có khách, song cũng nhiều thương lái lo ngại sự tập trung đông đúc sẽ khó kiểm soát và dịch bệnh lây lan nên đã tự đóng cửa.

Với những ai đã quen thuộc với sự đông đúc tại con đường Chùa Bộc, thì những ngày này lại vô cùng ngạc nhiên, khi con phố vốn là “thủ phủ thời trang” ấy lại tĩnh lặng đến lạ.

Người dân đang thực hiện việc hạn chế ra đường nên đường phố Hà Nội giờ tan tầm cũng trở nên thông thoáng, thưa thớt hơn ngày thường.

Nút giao Cầu Giấy – Láng – Bưởi thời điểm tan tầm nhưng lại thông thoáng, thưa người.

Đường Cầu Giấy lúc 5 giờ chiều, không nhộn nhịp, không tắc nghẽn.

Không chỉ đường xá hay các cửa hàng, mà cả các trung tâm thương mại cũng trở nên “đìu hiu”, vắng khách.

Bên cạnh đó, một số di tích trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã tạm dừng đón khách, đồng thời tiến hành các biện pháp khử khuẩn. Theo thông báo từ Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, từ ngày 10/3, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID -19, di tích này sẽ tạm đóng cửa. Tại di tích Hỏa Lò, nơi được thông báo có 2 du khách người Anh đang được theo dõi, cách ly vì liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đã từng tham quan, cũng sẽ tạm dừng đón khách,tiến hành khử trùng.

Mặc dù lượng khách giảm, số lượng tour bị hủy tăng, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu từ du lịch, song, các đơn vị vẫn chấp nhận tạm ngưng hoạt động để đảm bảo tối đa sự an toàn cho cả du khách và người dân Thủ đô trước dịch Covid-19.

Tính đến 11 giờ, ngày 12/3, Việt Nam ghi nhận 39 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó 16 trường hợp đã được điều trị khỏi, 1 trường hợp ở Hà Nội là bệnh nhân số 17 và 22 trường hợp khác hiện đang điều theo dõi, điều trị và cách ly tại các cơ sở y tế.

Theo KDPT