web analytics

Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Chiến lược phát triển phải hết sức cụ thể 12/11/2020

(KDPT) – Theo doanh nhân Hà Văn Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần T&T 159, trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần thể hiện chiến lược phát triển một cách hết sức cụ thể, để không chỉ cán bộ, Đảng viên có thể hiểu, thực hiện mà ngay cả những người dân bình thường, doanh nghiệp cũng có thể hiểu và vận dụng một cách dễ dàng.

 

Trong chiến lược phát triển đất nước, cần có một sự đoàn kết, hợp lực của toàn dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Ông là người đã có đề xuất để ứng dụng phương thức kinh tế chia sẻ ở Việt Nam để tạo thêm nội lực cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam. Theo ông, văn kiện trình đại hội Đảng cần có những định hướng gì để kinh tế chia sẻ phát huy tác dụng trong thời gian tới.

Doanh nhân Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159.

Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta đã nhắc nhiều đến định hướng chiến lược phát triển mới. Các cụm từ như: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đã được nhắc tới ở nhiều mục khác nhau. Tuy nhiên tôi cho rằng, các định hướng lớn để thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cần phải có một địa vị pháp lý. Bởi lẽ, việc đổi mới sáng tạo là sự thay đổi thiết chế cũ bằng các giá trị mới, sáng tạo. Nếu không có địa vị pháp lý, thế nào là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… vô hình trung sẽ gặp rào cản trong quá trình tổ chức thực hiện. Định hướng của Đảng rất quan trọng, mang tính chỉ đạo chiến lược cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội và Nhân dân và vận dụng trong quá trình tổ chức thực hiện. Nếu như không có định hướng rõ ràng và quyết liệt thì sẽ gặp nhiều vướng mắc, cản trở đổi mới sáng tạo, vận dụng các mô hình kinh tế mới trong sản xuất, kinh doanh. Các Nghị quyết của Đảng cũng phải có sức lan tỏa, sớm đi vào đời sống xã hội. Chiến lược phát triển phải hết sức cụ thể, minh bạch để không chỉ cán bộ, Đảng viên mới hiểu mà cả những người dân bình thường cũng dễ hiểu, dễ vận dụng. Như vậy các chiến lược mới thực sự có ý nghĩa, sớm đi vào đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh.

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ bắt kịp xu thế của thời đại, theo ông văn kiện lần này cần đề ra phương hướng gì, phương thức nào để doanh nghiệp có thêm động lực phát triển trong xu thế hiện nay.

Ứng dụng công nghệ số cũng như chuyển đổi số cũng như mô hình kinh tế số vào đời sống xã hội, ngoài việc chúng ta đã xác định bằng các chủ trương, chính sách thì cần đi kèm các chính sách xác thực và phù hợp để không những động viên toàn thể xã hội, các lực lượng có điều kiện tiếp cận, tham gia. Song song với đó, ngoài việc động viên cần có các thiết chế, quy định trở thành hành lang pháp lý để xã hội có căn cứ, các cơ quan quản lý có cơ sở để điều hành. Nếu làm được như vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới thực sự có ý nghĩa. Ví dụ, nói về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lâu nay một bộ phận người dân, thậm chí là doanh nghiệp vẫn hiểu đó là công nghệ số, tin học. Hiểu như vậy không sai nhưng chưa đủ. Như vậy các thành phần liên quan phải nhận thức về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách đầy đủ, rõ ràng. Chúng ta cũng phải có một chính sách cho nó. Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn, trong chiến lược phát triển, Dự thảo văn kiện đại hội Đảng đã nêu ra khá đầy đủ, công phu, nhưng phải làm rõ hơn, để không chỉ là những người có trình độ mới hiểu, mà cả những người dân bình thường cũng có thể dễ hiểu, dễ vận dụng khi tiếp cận.

Là một doanh nhân, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông có gửi gắm điều gì tới Đại hội Đảng sắp tới?

Điều mà tôi đang rất tâm huyết, đang muốn đi vào đời sống xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là vận dụng một cách sáng tạo kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, kinh tế số đó là phải luật hóa được các lĩnh vực này. Làm được như vậy, sẽ tránh được các rào cản vô hình, thiết chế cũ. Các quy định hiện nay, phần nào đó đã lỗi thời, do đó cần thay đổi cho phù hợp để đưa vào đời sống kinh doanh. Như vậy sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

DUY KHÁNH (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT