web analytics

Gốm Phù điêu Hải Phòng: Một vóc dáng Việt 21/09/2019

(KDTT) – Thay vì lựa chọn đi theo lối mòn với nghệ thuật in chìm, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (tức Đại đức Thích Chánh Tịnh) lại chọn phương pháp phù điêu và khắc 4D trên những sản phẩm gốm của mình để phục dựng lại tinh hoa nghệ thuật men gốm nhà Mạc, nhà Trần. Từng đường nét điêu khắc, trạm trổ đều thể hiện sự tài hoa, giác ngộ của bậc chân tu giữa đời sống đương đại. Mỗi tác phẩm đều được gửi gắm tình yêu, sự sáng tạo và mang đậm tinh thần dân tộc.

Người thổi hồn vào đất

Tình nguyện xuất gia, gửi gắm cuộc đời nơi cửa Phật từ năm 1994, đến nay cũng là khoảng thời gian dài mài rèn kinh sử và tìm hiểu, nghiên cứu về họa tiết phù điêu cổ điển trong chùa, Đại đức Thích Chánh Tịnh (nghệ nhân dân gian, kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên) đã nhận thấy họa tiết phù điêu đều đang bị phai mờ bởi sự bào mòn của thời gian. Chính điều đó cùng tình yêu với nghệ thuật làm gốm đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho vị sư thầy phục chế những điều đã bị mai một với mong muốn có thể gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt trên nhiều chất liệu.

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, quê tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng (pháp danh Thích Chánh Tịnh, trụ trì tại chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). May mắn gặp được thầy tại nơi thầy đang chuẩn bị cho buổi triển lãm mới tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), được trò chuyện và quan sát cái cách thầy tỉ mẩn “chăm sóc” từng “đứa con” tinh thần của mình mới thấy tình yêu, sự mê say mà con người ấy dành cho nghệ thuật gốm phù điêu lớn như thế nào.

Thầy cẩn thận lau từng hạt bụi trên chiếc chân đèn

Khi nét đẹp đang dần mai một

Nhắc đến gốm Phù Điêu, nhiều người sẽ thấy cái tên nghe hơi lạ, nhưng thực chất đó lại là một dòng sản phẩm đã có từ rất lâu đời, thể hiện họa tiết nổi trên đồ gốm do người Hải Phòng độc lập phát triển. Công thức làm phù điêu thủ công nhuần nhuyễn là ngôn ngữ riêng mà nghệ nhân ứng dụng chuyển tải các ý tưởng, chủ đề nghệ thuật về vẻ đẹp quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, gốm Phù Điêu là loại hình nặn đắp theo lối của người xưa, dễ làm đồ phỏng cổ, dễ sáng tác,… Sản phẩm gốm Phù Điêu giàu hàm lượng văn hóa Việt, đậm chất văn học bởi nhắc đến nhiều điển tích của miền đất, vì thế gốm Phù Điêu khi “di cư” đến xứ sở khác sẽ mang theo hồn cốt dân tộc.

Các tác phẩm đều đơn thuần chỉ là đời sống thường ngày của vạn vật

Nâng niu kỹ năng nắm giữ, thầy Thích Chánh Tịnh càng dấn thân trong sự kế thừa và phát huy tinh hoa truyền thống, phục vụ nhu cầu đương đại, diễn tả họa tiết và mảng khối đến với người xem bằng phù điêu trên góm, kết tụ văn hóa sáng tạ, bộc lộ một dòng gốm riêng, và đem đến một sức sống nghệ thuật gốm luôn lan tỏa, cùng chung hành động góp phần khởi sắc tiềm năng nghề gốm truyền thống. Qua đó, định tính giá trị nội hàm văn hóa Việt trong đồ gốm trước sự du nhập của các sản phẩm ngoại lai.

Thầy được biết đến với nhiều chế tác nổi bật như: đôi đèn gốm cao 170 cm đến 230 cm mang hình dáng của đèn gốm Triều Mạc, các mẫu Lư hương tiêu bản triều Mạc, triều Lê, cùng nhiều tác phẩm sáng tạo với tư duy đương đại cỡ lớn; và đặc biệt bộ Bách Bình vừa được Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố và trao Kỷ lục Việt Nam cho “Bộ Bách Bình bằng gốm được chế tác và đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất”.

Trong sự thăng hoa của sáng tạo nghệ thuật làm gốm, cái “cốt” chính là cái hồn và cũng là cái để người đời nhìn ngắm vào thấy rõ nhất. Cái cốt trong nguyên liệu tạo ra sản phẩm, và cái cốt bên trong con người tạo ra nó. Với thầy Thích Chánh Tịnh, đó là sự sáng tạo quyện trong cái thiền tĩnh của bậc tu gia. Sự sáng tạo nằm ở chỗ, các bình gốm mang đậm nét thủ công, dáng vẻ dung dị mộc mạc nhưng tinh tế khoáng đạt, họa tiết phong phú ngập tràn hương hoa, âm sắc của thiên nhiên trời đất, đọng được cốt hồn nghệ thuật cổ truyền dân tộc, linh hoạt, sáng tạo.

Mỗi tác phẩm đều là sự kết hợp độc đáo giữa nét tĩnh tâm và sự phá cách

Tại triển lãm lần này, thầy đem đến các tác phẩm mẫu bình gốm được chế tác trong nhiều năm. Hãy cùng ngắm nhìn và cảm nhận.

Toàn cảnh không gian trưng bày sản phẩm gốm Phù Điêu. Ảnh: P.M

Tác phẩm “Lư hương phỏng cổ triều Nguyễn”. Ảnh: P.M

Tác phẩm “Mai Bình Phù Điêu Đức Phật Tọa Thiền”. Ảnh: P.M

Tác phẩm “Ấm trà đắp nổi linh vật Việt Nam”. Ảnh: P.M

Tác phẩm “Bình vôi đắp nổi linh vật Việt Nam”. Ảnh: P.M

Các chi tiết mà thầy chọn để miêu tả luôn là những điều rất dung dị nhưng lại mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Từ những hoa sen dịu dàng

Đến những hoa cúc

Một số tác phẩm gốm Phù Điêu khác tại Triển lãm:

Ảnh: P.M

Ảnh: P.M

Ảnh: P.M

Nhà sư đã mang sự tĩnh tâm để dâng hiến cho đời, bởi thầy thấu hiểu hơn ai hết triết lý “sắc sắc không không” của nhà Phật. Đôi bàn tay ngày ngày gõ mõ tụng kinh lại có thể khéo léo làm nên những tuyệt tác để lại cho đời, cống hiến sự nhân văn, cốt cách và hồn túy dân tộc qua từng đường nét.

Theo KDPT