web analytics

Giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức 16/10/2019

(KDTT) – Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn cao.    

Uỷ ban Dân tộc vừa có báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đánh giá của Uỷ ban Dân tộc, các chương trình, chính sách, dự án về giáo dục và đào tạo của Nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố, mở rộng. Tuy nhiên, chất lượng phòng học còn kém. Đến nay, vẫn còn 72.634 phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Đây là nguyên nhân khiến số lượng trường đạt chuẩn ở vùng DTTS và miền núi chỉ bằng ½ khu vực đồng bằng phát triển.

Gần 2,8 triệu người dân tộc thiểu số chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt (ảnh: TL)

Giai đoạn 2016 – 2018, Chính phủ đã xây dựng và ban hành 2 chính sách giàu tính nhân văn và thiết thực, đó là Quyết định số 2086/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP quy định Chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người. Các chính sách đã phát huy tác dụng hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, thống kê của Uỷ ban Dân tộc cho thấy, tỷ lệ người DTTS đi học đúng độ tuổi còn thấp; hiện vẫn còn khoảng 30% học sinh chưa đi học đúng độ tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ người DTTS chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn cao. Hiện, vẫn còn 20,8% người DTTS và miền núi (tương đương khoảng 2,8 triệu người) chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt. Một số nhóm DTTS như: Hà Nhì, Cơ Lao, Brâu, Mông, Mảng, Lự, La Hủ vẫn còn trên 50% dân số không biết chữ.

Theo phapluatxahoi.vn