web analytics

Giải phóng mặt bằng dự án truyền tải điện: Cần sự đồng thuận 12/05/2020

(KDTT)- Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn trong các dự án nhất là đối với các dự án truyền tải điện. Chủ đầu tư vừa phải làm đúng các quy định của Nhà nước về đền bù tài sản đất đai, hoa màu vừa phải thỏa mãn sự kỳ vọng của đối tượng bị ảnh hưởng về mức giá bồi thường, hỗ trợ.

Người dân thì luôn đòi hỏi được đền bù ở mức cao nhất nhưng khi không được đáp ứng thì luôn tìm cách gây khó khăn, cản trở không cho dự án triển khai. Việc triển khai xây dựng đường dây 35kV ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã phải chậm tiến độ nhiều tháng, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp là một minh chứng cho việc trên.

Diễn tập xử lý sự cố lưới điện tại Điện lực Nam Sách ngày 26/4/2019. Ảnh minh họa: Mạnh Minh/TTXVN

Nguy cơ thiếu điện

Thôn Miếu Lãng, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách có 670 hộ dân với trên 2.200 nhân khẩu. Là một thôn lớn nên sản lượng điện sinh hoạt hàng tháng đều khá cao. Ông Phan Văn Dũng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Miêu Lãng, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách chia sẻ, từ khi nghỉ hưu về địa phương đến nay, ông thấy đời sống của người dân ngày càng tăng lên, số nhân khẩu trong thôn, xã cũng tăng lên theo thời gian nên nhu cầu sử dụng điện là rất lớn.

Tuy nhiên, đường điện sinh hoạt hiện nay chưa đảm bảo nhất là trong những ngày nắng nóng khi nhiều nhà sử dụng điều hòa hoặc là vào mùa đông khi sử dụng bình nước nóng lạnh. Nhiều hôm cứ vào giờ nấu cơm thì mất điện, thời gian kéo dài 30 phút hoặc 1 giờ đồng hồ, thậm chí có hôm mất điện đến tận gần 3 giờ. Thậm chí, mỗi khi có gió to hay mưa là các hộ dân cũng bị mất điện.

Không chỉ cuộc sống sinh hoạt của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp trong cụm công nghiệp An Đồng cũng bị thiệt hại về sản xuất do sự cố về điện. Công ty cổ phần Nhựa An Phát xanh là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa sinh học với sản lượng điện tiêu thụ khoảng 7 triệu kWh/tháng. Do đặc thù của ngành sản xuất nhựa nên mỗi lần nháy điện, hay mất điện thì khiến cho các thành phẩm đều bị lỗi, hỏng với giá trị thiệt hại khoảng 60 triệu đồng/lần mất điện.

Ông Vũ Đức Khoản, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp thường xuyên gặp phải sự cố điện như nháy điện, mất điện đột xuất; ví như trong năm 2019, doanh nghiệp đã 52 lần gửi công văn đến Điện lực Hải Dương phàn nàn về sự cố mất điện đã gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nhất là trong năm 2019.

“Trong thời gian tới, công ty tiếp tục xây dựng thêm nhà máy số 8 nhưng với chất lượng điện như hiện nay thì không biết khi nhà máy đi vào hoạt động thì thiệt hại về kinh tế sẽ là như thế nào”, ông Khoản bày tỏ lo lắng.

Ông Đặng Thế Linh, Phó Giám đốc Điện lực Nam Sách, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) cho biết, Điện lực Nam Sách cung cấp điện cho khoảng 18.000 khách hàng; trong đó có 300 khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, một số đường dây đã xuống cấp và nguồn cấp điện từ xa nên phải kéo đường dây dài, xa gây ảnh hưởng đến độ tin cậy khi cấp điện sinh hoạt cho người dân, thường xuyên xảy ra sự cố về điện.

Cần sự đồng thuận

Để chống quá tải cho lưới điện khu vực cụm công nghiệp An Đồng (các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp có sản lượng điện chiếm 1/3 sản lượng điện tiêu thụ toàn huyện Nam Sách) và điện sinh hoạt cho người dân của huyện Nam Sách, nâng cao độ tin cậy, ổn định và an toàn cấp điện, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải công nghiệp và sinh hoạt trong khu vực, Điện lực Hải Dương đã triển khai xây dựng đường dây 35kV từ trạm 110kV Tiền Trung đi cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách từ giữa năm 2019 với tổng mức đầu tư là trên 14 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án triển khai từ tháng 5 và hoàn thành vào tháng 8/2019. Tuy nhiên, khi thực hiện đã gặp phải những khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Dự án đi qua diện tích đất của các thôn Miêu Lãng, Đông Phan thuộc xã Đồng Lạc, do đó có 34 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến tháng 5/2019, 31 hộ dân đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng, 31/34 vị trí móng cột đã được giải phóng mặt bằng đủ điều kiện thi công. Còn 3 vị trí móng cột và hành lang đường dây thuộc 4 hộ gia đình thuộc thôn Miếu Lãng chưa đồng thuận phương án đền bù.

Ông Ngô Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng lạc, huyện Nam Sách cho biết, dự án thu hồi theo Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 là thu hồi để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên sau khi nhận được kế hoạch, UBND xã Đồng Lạc đã phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện và Điện lực Hải Dương tiến hành kiểm đếm các vị trí và làm việc với các hộ dân. Riêng 3 hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù vì cho rằng đường điện ảnh hưởng đến sản xuất. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đối thoại, giải thích, tuyên truyền về các quy định của Nhà nước, của tỉnh Hải Dương nhưng một số người dân vẫn không đồng thuận.

Do không giải phóng được mặt bằng, tháng 12/2019, Điện lực Hải Dương đã phải thực hiện điều chỉnh hướng tuyến, đưa 2 vị trí cột đường dây vào phần đất giao thông thủy lợi do UBND xã Đồng Lạc quản lý. Việc điều chỉnh tuyến này có đầy đủ tính pháp lý cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của công trình, đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông, tiêu thoát nước của khu vực. Tuy nhiên, điều chỉnh này khiến Điện lực Hải Dương thiệt hại lớn.

Ông Phạm Minh Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương chia sẻ, nếu đường dây 35kV này không sớm được đưa vào sử dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và không đảm bảo được độ tin cậy, chất lượng cấp điện cho doanh nghiệp trong khu vực do hệ thống đường dây cũ đã bị quá tải từ lâu.

Ông Phương cũng bày tỏ mong muốn người dân ủng hộ, đồng thuận cho dự án trong việc thu hồi đất cũng như phối hợp để triển khai dự án theo đúng kế hoạch để đảm bảo chính cho nhu cầu thiết yếu sinh hoạt của người dân. Điện lực Hải Dương cũng đề nghị chính quyền địa phương phối hợp tốt để tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về các dự án, lợi ích và hiệu quả đem lại.

Theo kế hoạch, năm 2020, Điện lực Hải Dương sẽ triển khai 52 dự án và hiện tại đã có 11 dự án thi công. Khi các dự án này đưa vào khai thác sẽ góp phần nâng cao độ tin cậy, ổn định và an toàn cung cấp điện cho các phụ tải và đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng sắp tới. Tuy nhiên, những khó khăn trong giải phóng mặt bằng như đã xảy ra tại dự án xây dựng đường dây 35kV từ trạm 110kV Tiền Trung đi cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách không những gây thiệt hại về kinh tế, không đạt được hiệu quả đầu tư vì công trình không được đưa vào vận hành khai thác đúng tiến độ.

Theo Báo Tin tức