Dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ được bổ sung thêm 16.000 MW vào hệ thống điện quốc gia

Năng lượng tái tạo có tỷ trọng ngày càng cao

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới một tương lai bền vững hơn. Sự gia tăng mạnh mẽ của tỉ trọng nguồn phát phụ thuộc vào thời tiết trong cơ cấu phát điện có thể gây ra một số thách thức trong việc vận hành, đòi hỏi được giải quyết khẩn cấp nhằm đảm bảo việc cấp điện một cách ổn định và an toàn, đồng thời tránh nguy cơ buộc phải cắt giảm mạnh nguồn năng lượng sạch.

Thách thức của lưới điện hiện hữu có thể không được chuẩn bị tốt để đáp ứng với các nguồn phát mới đặt tại các địa điểm xa các trung tâm phụ tải. Khả năng hiện tại của các đường dây truyền tải dài có thể nhanh chóng bị bão hòa dẫn đến tắc nghẽn lưới điện, buộc phải cắt giảm nguồn tái tạo và làm tăng chi phí năng lượng. Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến yêu cầu điều độ theo từng thời điểm, với khoảng thời gian chênh lệch từ vài mili giây đến chênh lệch theo mùa. Hệ thống điện cần phải trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn trên toàn lưới, nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Trong thời gian tới, theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện 8) chuẩn bị được Chính phủ ban hành, nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được phát triển. Trong đó, dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ được bổ sung thêm 16.000 MW vào hệ thống điện quốc gia.

Theo quy hoạch mà Bộ Công Thương đang trình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có thêm 16.000 MW điện gió trên mặt đất, 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045 con số này sẽ tăng lên lần lượt là 56.000 MW và 64.000 MW. Đối với điện mặt trời phải có đến 87.000 MW vào năm 2045… Dự kiến, đến năm 2050 sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Giải pháp giảm áp lực cho hệ thống điện

Việt Nam hiện nay vẫn còn là nước đang phát triển, kinh tế thu nhập thấp. Trong khi đó, dự kiến, nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch điện 8 giai đoạn từ nay đến 2030 là khoảng 12 – 15 tỷ USD/năm và đến 2050 phải lên tới con số 400 tỷ USD. Con số trên là bài toán khó và là thách thức lớn cần giải quyết.

Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như công nghệ để thực hiện phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió hiện nay chúng ta phụ thuộc hoàn toàn công nghệ của nước ngoài. Khó khăn nay cần được hỗ trợ về vốn đầu tư và công nghệ, kinh nghiệm phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện truyền tải trên bờ, cũng như ngoài khơi để đáp ứng cung cấp điện trong tương lai.

Các giải pháp kỹ thuật số như hệ thống giám sát diện rộng và chương trình khắc phục sự cố có thể giúp phát hiện hiệu quả các nhiễu động nguy hiểm, nhanh chóng đánh giá rủi ro an ninh có thể xảy ra đối với nguồn cung cấp và phản ứng tức thời theo kịch bản đã được lập trình, ví dụ ngừng cấp hoặc ngừng phát điện. Công nghệ lưu trữ năng lượng như pin và thủy điện tích năng cũng đang trở thành một công nghệ hỗ trợ quan trọng cho các hệ thống điện tái tạo. Pin có thể cân bằng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo thay đổi trong thời gian ngắn bằng cách cung cấp phản ứng tức thời đối với sự mất cân bằng cung cầu đột ngột và duy trì sự ổn định tần số.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tích cực triển khai sâu rộng các chương trình tiết kiệm điện như: Giờ Trái đất, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về tiết kiệm điện, chủ động tư vấn các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tiết kiệm, hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp… Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo các công ty điện lực trực thuộc tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, khách hàng lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Bắc nâng cao nhận thức, tăng cường các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; chủ động tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Tùy theo tình hình của các địa phương, tổng công ty khuyến khích các đơn vị tổ chức hội nghị chương trình điều chỉnh phụ tải điện với khách hàng lớn trên địa bàn theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm thông tin cụ thể tình hình cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia và việc điều chỉnh phụ tải điện với các khách hàng để bảo đảm an toàn trong việc vận hành hệ thống điện.

VIỆT ANH

Theo KDPT