web analytics

Giải pháp bền vững cho vải thiều Lục Ngạn 03/06/2020

(KDTT) – Trong cơ cấu sản xuất mùa vụ hiện nay, cây vải thiều chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo. Làm thế nào để nâng cao giá trị cũng như tìm hướng phát triển ổn định cho trái vải thiều Lục Ngạn là bài toán cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương.

 Ứng dụng KH&CN có phải tất cả?

Với mục tiêu đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất , trồng trọt cây ăn quả nói chung, cây vải thiều Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sinh học; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đặc sản địa phương bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, phục vụ mục tiêu xuất khẩu.

» Bài 1: Định vị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trên bản đồ nông sản thế giới

Vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là một hướng đi bền vững.

Đến nay, tỉnh đã có nhiều giải pháp được nghiên cứu, đầu tư để bảo quản trái vải thiều sau thu hoạch như: bảo quản trong kho lạnh, chế biến nước vải đóng lon, sấy khô để kéo dài cũng như nâng cao chất lượng quả vải sau thu hoạch. Bên cạnh đó, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP) và phương pháp bảo quản bằng chiếu xạ tia Gamma cũng được áp dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Đặc biệt, năm 2015, Bộ KH&CN phê duyệt cho tỉnh Bắc Giang đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Juran (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu”, tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn cầu. Với công nghệ dây chuyền xử lý không xông S02 bằng công nghệ Isarel cho quả vải thiều, hệ thống xử lý giữ nguyên màu đỏ tự nhiên của vỏ quả trong 4-5 tuần, loại bỏ hiện tượng nâu hóa sau 3 ngày, kéo dài thời gian cho sản phẩm. Quả vải thiều sau khi xử lý bằng công nghệ này có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, Nhật Bản. Hiện nay hãng Juran đã lắp đặt dây chuyền xử lý quả vải cho Trung Quốc, Thái Lan và Úc.

Bên cạnh đó, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là một hướng đi bền vững, đặc biệt là với các loại cây ăn quả như vải thiều. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có khoảng 13.000 héc-ta vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng ước đạt khoảng trên 90.000 tấn; diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 218 héc-ta, được Mỹ cấp mã số IRADS cho 394 hộ sản xuất. Chất lượng quả vải sau khi áp dụng đạt tốt hơn, mẫu mã đẹp, vỏ sáng, ít bị sâu bệnh, đặc biệt tỷ lệ quả bị sâu đục mép, đục cuống và bệnh thân hư ít hơn so với ngoài vùng dự án. Giá bán sản phẩm vải đạt tiêu chuẩn VietGAP cao hơn giá sàn từ 10-20%, hiệu quả sản xuất vải trên đơn vị diện tích tăng 5-10%.

Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng KHCN hoặc áp dụng quy trình của VietGAP, GlobalGAP, các hộ nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư cao, thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ thuật, thiếu nguồn cây giống tốt, thiếu thông tin, nhận thức của một bộ phận người dân về sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; đầu ra sản phẩm chủ yếu thông qua thương lái, … nhưng quan trọng nhất là đầu ra còn bấp bênh, không ổn định, giá bán thấp nên hiệu quả chưa cao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Lân  (thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: “Năm nay tôi mới bắt đầu áp dụng VietGAP. Tôi mong muốn xuất khẩu sang Nhật Bản được 5-7 tấn trên tổng số 40 tấn. Tôi đã làm đúng theo quy trình VietGAP nhưng vẫn chưa thực sự tin tưởng. Phun thuốc nhưng sâu không chết, bọ xít vẫn nhiều. Điều lo lắng nhất của tôi vẫn là khi mình đầu tư nhiều vốn, công sức nhưng đầu ra không được bảo đảm”.

Ông Trần Văn Lân giới thiệu với PV Kinh doanh và Phát triển vườn vải dự thu 40 tấn theo quy trình VietGAP.

Với thực tế này cùng với tình trạng trà trộn vải thiều đại trà với vải thiều Lục Ngạn VietGAP, đã làm cho sản xuất vải thiều nói chung và sản xuất vải thiều theo VietGAP nói riêng vẫn gặp khó.

Thay đổi tư duy sản xuất và tiêu thụ trong cách mạng 4.0

Theo dự báo, năm nay sản lượng vải ở Thanh Hà (35.000 tấn) ước tính chỉ xấp xỉ ½ sản lượng vải ở Lục Ngạn (85.000 tấn), nhưng bù lại giá khá cao (40.000 – 42.000đ/kg). Và đặc biệt, để nhắc về thương hiệu cũng như chất lượng trái vải thiều, ắt hẳn người tiêu dùng sẽ nhớ đến cái tên “vải thiều Thanh Hà” hơn với nét đặc trưng là độ giòn của cùi, cùi vải ráo, khi bóc không bị chảy nước. Mặc dù không ai có thể phủ nhận những gì tỉnh Bắc Giang đã làm để xây dựng nên thương hiệu của trái vải thiều, đưa sản phẩm này trở thành một thế mạnh của địa phương, nhưng để khẳng định được vị thế cũng như tên tuổi của một thương hiệu vốn “sinh sau đẻ muộn” như vải thiều Lục Ngạn không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế thì còn cần nhiều hơn thế.

Nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng chịu tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Song trên thực tế, việc ứng dụng các công nghệ cao, tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối, tạo ra các mô hình sản xuất hiện đại, thông minh vào các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vẫn còn hạn chế. Vì thế, cần phải thay đổi phương thức quản lý, thay đổi phạm vi, quy mô, bản chất và tính hữu cơ của mối liên kết giữa các chủ thể. Ví dụ như việc thay vì như trước đây người nông dân bán vải thiều cho thương lái, thì nay nên tiếp cận với những đại lý và công ty xuyên quốc gia kết nối thẳng với các cơ sở để thu mua. Chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản này không chỉ phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trên thị trường mà thực sự đã trở thành “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Như vậy, để “cuộc cách mạng 4.0” phát huy vai trò là đòn bẩy trong lĩnh vực trồng trọt, theo các chuyên gia, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó ngân sách Nhà nước, của tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp. Và trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là hướng đi cần thiết để nông sản của Việt Nam nói chung, vải thiều Lục Ngạn nói riêng có thể nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Và hơn hết là chứng minh vai trò của KHCN trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng phát triển bền vững.

Theo KDPT