web analytics

Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám là “ngọn đuốc dẫn đường” cho người trẻ 19/08/2020

(KDTT) – Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2020), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám – Mốc son lịch sử” gồm 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu.

Triển lãm với 3 nội dung chính theo những dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước được thể hiện rõ ràng, mang tới các thông điệp ý nghĩa dành cho người xem. Cụ thể:

Phần 1 – Mùa thu lịch sử: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Phần 2 – Sức mạnh niềm tin: Giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Phần 3 – Tiếp bước vinh quang: Trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không gian trưng bày theo các dấu mốc lịch sử.

Nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử được trưng bày tại triển lãm giúp người dân đến tham quan hiểu được thêm về quá khứ hào hùng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trung tá Bùi Thị Hương Giang, người chịu trách nhiệm nội dung chính của triển lãm cho biết: “Tôi hy vọng những ý tưởng tốt đẹp, giá trị lịch sử của thế hệ trước sẽ được thế hệ trẻ tiếp nhận, coi đó là động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của bản thân với vai trò là học sinh, sinh viên hay những thanh niên đang công tác ở bất kỳ đâu, đều biết phát huy tốt giá trị của bản thân để cống hiến cho đất nước”.

Trung tá Bùi Thị Hương Giang giới thiệu về các tài liệu tại triển lãm.

Triển lãm thu hút đông đảo người tới xem, ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau. Anh Nguyễn Tuân (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Bên cạnh các địa điểm vui chơi, giải trí, tôi thường chú trọng việc đưa con mình đến tham quan các bảo tàng, các triển lãm về lịch sử như thế này. Điều này dường như trở thành truyền thống của gia đình tôi, với mong muốn các cháu sẽ được bồi đắp nhiều hơn những kiến thức về lịch sử dân tộc, về những hy sinh, mất mát của những người đi trước cho hòa bình hôm nay. Triển lãm “Cách mạng tháng Tám – Mốc son lịch sử” lại càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm này, khi mà cả dân tộc ta cũng đang ra sức chống lại “giặc dịch” Covid-19, nhằm lan tỏa rộng hơn tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh kiên cường của dân tộc ta từ bao đời nay”.

Một gia đình nhỏ tham quan triển lãm.

Sưu tập truyền đơn, được phát hành trước Tổng khởi nghĩa năm 1945.

Trung tá Hương Giang chia sẻ thêm: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi thấy sự đón nhận từ khách mời và người xem triển lãm. Mong rằng những ảnh hưởng tốt đẹp đó sẽ được lan tỏa trong cộng đồng và trong toàn xã hội, khơi dậy tình yêu nước và sự biết ơn trân trọng quá khứ của tất cả mọi người, coi đó là ngọn đuốc dẫn đường trong suốt quá trình phấn đấu, công tác, xây dựng nước nhà ngày một giàu đẹp, văn minh”.

Lời kêu gọi toàn quốc đứng lên giành chính quyền.

Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945.

Kèn được sử dụng trong đội quân nhạc vào ngày 2/9/1945.

Phụ trương đặc biệt của Báo Nhân dân ra ngày 1/8/1954 về Hiệp định đình chiến ở Đông Dương.

Hình ảnh trong giai đoạn đổi mới kinh tế từ năm 1986.

Tại triển lãm, những hình ảnh, câu chuyện về vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ ủng hộ hơn 5000 lượng vàng cho kháng chiến và căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khiến người xem xúc động, qua đó khẳng định, góp sức trong mọi thắng lợi các cuộc kháng chiến không chỉ đơn thuần của các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, mà còn là công sức của toàn thể nhân dân, đó cũng là hiện thân của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Triển lãm “Cách mạng Tháng Tám – Mốc son lịch sử” được thực hiện bởi sự đóng góp của nhiều đơn vị, với mục đích tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ và sâu sắc vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Quá trình phục vụ khách tham quan thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (phun khử khuẩn phòng Triển lãm; khách đến tham quan thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch cồn,…). Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18/8/2020 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

Theo KDPT