web analytics

Giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày: Liệu có đi kèm với chất lượng? 31/08/2019

(KDTT) – Bộ Y tế sắp ra thông tư, cho phép áp dụng mức giá giường bệnh loại dịch vụ đến 4 triệu đồng mỗi ngày đêm, kể từ đầu tháng 10. Vấn đề này đã gây nhiều ý kiến tranh cãi, cho rằng giá phòng bệnh dịch vụ ngang hàng với giá khách sạn hạng sang.

Bộ Y tế khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư để xây dựng bệnh viện khách sạn, phục vụ theo nhu cầu.

“Dự thảo thông tư giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập” đang được rà soát lần cuối, trước khi ban hành. Trong đó, giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện công sẽ được điều chỉnh dự kiến tăng từ thời điểm 1-10. Đặc biệt, giá giường theo dạng dịch vụ được phân cấp dựa vào hạng bệnh viện và loại phòng bệnh. Đối với giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 cao nhất là 4 triệu đồng/ ngày, cho loại phòng có một giường; loại phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/ngày; phòng ba giường giá 1,5 triệu đồng; phòng bốn giường 1,3 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức giá 4 triệu đồng một phòng bệnh là quá cao, ngang giá khách sạn 5 sao. Lý giải ý kiến trên, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, cho rằng: So sánh như vậy là khập khiễng. Khách sạn chỉ ở thời gian ngắn, chủ yếu tối về ngủ, còn ban ngày đi công tác, du lịch. Nhưng giường bệnh viện là nằm 24/24h, phải có người chăm sóc, ăn uống, bệnh lý. Giường 4 triệu đồng đặc biệt và chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện xây dựng giường này. Thậm chí, với giá này còn có cả giường nằm cho người nhà, phòng tiếp khách trong phòng.

“Các bệnh viện công hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng khu bệnh viện khách sạn, phục vụ những người bệnh có nhu cầu. Tương lai có thêm nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khang trang, hiện đại; tạo điều kiện để các bệnh viện có thể vay vốn, huy động vốn hoặc hợp tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại…”, ông Liên nói. Ông Liên cũng chỉ ra, mỗi năm, có 40-50.000 người đi chữa bệnh ở nước ngoài, chi phí hơn 2 tỷ USD.

“Hiện nước ta có khoảng 300-500.000 người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, lương rất cao và cũng tham gia bảo hiểm quốc tế. Nếu có khu vực dịch vụ chất lượng cao, lúc cần khám bệnh thì họ không phải về nước hoặc đi các nước khác, vì vậy, chúng ta cần thu hút ngoại tệ từ các đối tượng này. Đây cũng là mục tiêu Bộ Y tế xây dựng cơ chế chính sách này”, ông Liên cho hay.

Về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu, ông Liên nhấn mạnh, chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng; mục đích của thông tư hướng dẫn ban hành giá là ban hành khung, chứ không phải là quy định chi tiết giá. Còn đối với các phòng cho bệnh nhân, họ không có nhu cầu sử dụng theo yêu cầu, mà theo gói báo hiểm y tế thì vẫn được đáp ứng. Phương châm của Bộ Y tế là khuyến khích các bệnh viện xã hội hóa, hợp tác công tư để xây dựng bệnh viện khách sạn, phục vụ theo nhu cầu.

Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, thông tư dự kiến ban hành tới đây là cơ sở hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh chữa bệnh theo nhu cầu của cơ sở y tế công lập, chứ không phải áp mức giá cụ thể để thực hiện. Bộ Y tế sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra tài chính, cơ quan kiểm toán sẽ tham gia giám sát và tính giá giường bệnh theo yêu cầu. Nếu các bệnh viện làm sai, những cơ quan này sẽ giúp các bệnh viện điều chỉnh, không để xảy ra tình trạng giá tiền một đằng, chất lượng một nẻo.

Theo KDPT