Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 7/2018, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm giá so với tháng trước. Mức giá cao nhất trong khoảng 25.000 – 27.000 đ/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, giảm khoảng 3.000 đ/kg so với tháng trước. Giá cá tra giống nhích nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng thời tiết, cỡ 30 con/kg hiện ở mức 25.000-30.000 đ/kg.
Tháng 8/2018, thị trường cá tra nguyên liệu khá ổn định, mức giá cao nhất khoảng 26.000 – 27.000 đ/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Nguồn cung cá giống khan hiếm, một phần do dịch bệnh cùng với nhu cầu thả bù hao hụt cao đẩy giá tiếp tục tăng so với tháng trước. Tại Cần Thơ, cá tra giống cỡ 30 con/kg ở mức 45.000-50.000 đ/kg, tăng khoảng 20.000 đ/kg so với tháng trước.
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 9 có xu hướng tăng, mức giá trung bình trong khoảng 30.000 – 32.000 đ/kg (cá loại I, 700 – 900g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đ/kg so với tháng trước. Giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung cá giống khan hiếm, cùng với việc trữ lượng cá nguyên liệu đang ở mức khá thấp, nhu cầu thu mua cá nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tăng, đặc biệt là cá tra có kích thước nhỏ. Cá tra giống cỡ 30 con/kg ở mức cao 65.000 – 70.000 đ/kg.
Tính đến cuối tháng 10/2018, giá trung bình cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã lên mức cao kỷ lục 35.000 – 36.500 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thiếu nguyên liệu trầm trọng cho chế biến, trễ đơn hàng hoặc buộc phải hủy nhiều đơn hàng. Giá cá nguyên liệu tăng quá nhanh đẩy giá xuất khẩu tăng theo. Tuy nhiên, tại một số thị trường, trong đó có thị trường Mỹ, yếu tố giá cũng đang là một bất lợi khi một số doanh nghiệp e dè mua hàng. Giá cá tra cũng bị cạnh tranh mạnh bởi giá cá rô phi và một số sản phẩm cá thịt trắng khác.
9 tháng đầu năm 2018, tổng diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL đạt 5.480 ha, tăng 5% và sản lượng đạt 992,6 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đồng Tháp, Bến Tre và Cần Thơ là 3 tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi cao nhất của khu vực. Tính riêng Đồng Tháp, 9 tháng đầu năm 2018, diện tích nuôi cá tra chiếm 37% và sản lượng chiếm 32% tổng diện tích của toàn vùng.
Tại một số địa phương, sản lượng thu hoạch cá tra cũng tăng như Đồng Tháp sản lượng đạt 319,9 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ; An Giang với sản lượng đạt 262 nghìn tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ; Bến Tre với sản lượng 157 nghìn tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Một số tỉnh như: Tiền Giang, Cần Thơ và Hậu Giang sản lượng thu hoạch giảm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7/2018, thị trường Trung Quốc tạm ngưng mua cá nguyên liệu để tiêu thụ lượng hàng đã nhập trước đó. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Tuy nhiên sang tháng 8/2018, nguồn cung lại thiếu hụt do thiếu cá giống.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm, sản xuất cá tra phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là sự khủng hoảng cá tra giống và những rào cản từ thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá vẫn phát triển tốt với giá cá giống, giá cá nguyên liệu liên tục duy trì ở mức cao. Với tình hình trên thì nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong quý IV năm 2018 được VASEP dự báo sẽ hạn chế, giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt và có thể kéo dài đến hết năm 2018.
Theo: congthuong.vn