web analytics

EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực 23/06/2020

(KDTT) – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được thông qua, đánh dấu “cột mốc đỏ” trong hành trình vươn ra biển lớn của nền kinh tế Việt. Nhìn lại chặng đường đã qua, Việt Nam đã  khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của mình trong khu vực, từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Chặng đường nhiều thử thách

Nếu tính mốc là tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán EVFTA, để đạt được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay, có thể nói Việt Nam và EU đã trải qua một thập niên đàm phán đầy hiệu quả, chất lượng, song cũng nhiều thử thách.

Tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán EVFTA.

Tháng 6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA.

Tháng 12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lí để chuẩn bị cho việc kí kết Hiệp định.

Tháng 6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lí ở cấp kĩ thuật

Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.

Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lí EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lí Hiệp định IPA.

Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép kí các Hiệp định.

Ngày 30/6/2019: EVFTA và IPA chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu ÂU (ngày 30/6/2019).

Ngày 12/2/2020: Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua EVFTA, với kết quả 401 phiếu ủng hộ, tương đương 63,3%.

Ngày 8/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Chúng ta đã kiên trì đàm phán nhiều năm. Điều rất quan trọng là chúng ta tranh thủ thời cơ để làm việc với từng nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu để thuyết phục họ thông qua hiệp định quan trọng này. Bởi vậy, nắm được thời cơ trong việc đàm phán EVFTA là rất quan trọng. Đó là một thành công mà chúng ta đã đạt được dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, của Quốc hội”.

Quả thực, để đưa đến quyết định phê chuẩn EVFTA, cần trải qua nhiều cân nhắc bởi tuy đây là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, song sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên lại là điều phải lưu ý.

Nâng cao năng lực, vươn ra biển lớn

Chắc chắn rằng, EVFTA được thông qua sẽ đem lại rất nhiều lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc phải cạnh tranh mạnh mẽ với các DN Châu Âu, nhất là khi một số DN nổi tiếng đang rất “được lòng” khách hàng Việt. Do vậy, năng lực cạnh tranh cần được đề cấp đến đầu tiên, đặc biệt, đối với các ngành kinh tế thì phải cạnh tranh bình đẳng.

Một số DN đến hiện tại vẫn chưa thực sự nắm bắt được những quy định, điều khoản cụ thể trong EVFTA, dẫn đến việc không đảm bảo những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn cam kết và các hàng rào kỹ thuật của EU, …. Từ đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt, nhất là các sản phẩm về nông nghiệp, thủy sản,…. Điều này đòi hỏi người nông dân, DN phải thay đổi tư duy, sản xuất chuyên nghiệp, phát triển hợp tác xã, thu hút DN vào đầu tư, tạo thành chuỗi sản xuất, chế biến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.

Thủy sản là ngành cần phải nỗ lực đặc biệt do khả năng cạnh tranh vô cùng lớn.

Hai văn kiện quan trọng EVFTA và EVIPA được coi như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam; mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN hai bên. Và chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, EVFTA chắc chắn sẽ không chỉ giúp Việt Nam đứng vững trên sân nhà, mà còn được nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Theo KDPT