web analytics

EU cần một cấu trúc hội nhập mới 17/10/2018

(KDTT) – Những khó khăn Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt suốt thời gian vừa qua đến từ sai lầm lớn nhất của họ – đó là họ mãi vùng vẫy trong cấu trúc đã lạc hậu và già cỗi. Để sống sót trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt và thách thức không ngừng như hiện nay, EU cần một cấu trúc hội nhập mới mà trước hết họ sẽ phải từ bỏ nguyên tắc “một liên kết chặt chẽ nhất có thể” bởi chiếc áo giờ không thể vừa cho mọi người.

Lạc hậu và chia rẽ

Cách đây 2 thế kỷ, nhà ngoại giao người Áo Metternich khi nói về nước Ý đã tỏ ra khinh bỉ: “Việc bán đảo hình chiếc ủng được chia thành vô vàn thái ấp chẳng qua chỉ là sự thể hiện về mặt địa lý”. Những nhân vật quan trọng ở Washington, Moscow, Bắc Kinh hay New Delhi đang nhìn nhận châu Âu theo cùng một cách như vậy. Họ đều công nhận rằng Liên minh là một mô hình ưu việt cho các hiệp định thương mại hay tiền tệ, nhưng tổ chức này lại quá do dự để có thể trở thành người chơi thực thụ trong trò chơi quyền lực toàn cầu cũng như quá chia rẽ để đối mặt với những thách thức an ninh hay nhập cư. Nhiệm vụ của châu Âu là chứng minh rằng họ đã sai.

Các cuộc tranh luận về bản sắc EU lâu đời như chính tổ chức này và cũng phổ biến như là một phần bản sắc châu Âu vậy. Tuy nhiên, đối với đa số người dân châu Âu, những người chỉ quan tâm tới đồng euro có mất giá hay việc làm có bị mất vào tay người nhập cư hay không, thì cuộc khủng hoảng bản sắc dường như là điều gì đó khá xa lạ. Nhưng họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng, bởi đây mới chính là nguồn cơn của mọi khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Để sống sót trong một thế giới ngày càng trở nên khắc nghiệt và nhiều thách thức như hiện nay, EU cần định nghĩa lại mục đích tồn tại của mình. Trước kia, EU được thiết kế để hướng tới sự liên kết nội bộ tuyệt đối, nhưng giờ đây, điều đó đang ngăn cản họ đối phó với những thách thức mới đến từ bên ngoài. EU từng là “bậc thầy” về các quy định, nhưng họ lại không được chuẩn bị cho những cuộc dàn xếp quyền lực và trò chơi địa chính trị mới. Trước kia, EU hoàn toàn trông chờ vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ; nhưng giờ đây Tổng thống Donald Trump nhận thấy trách nhiệm đó quá tốn kém.

Trước kia, tỵ nạn chỉ là một dòng người nhỏ không đáng kể; thì chiến tranh và khủng hoảng ở Trung Đông và châu Phi đã biến tỵ nạn trở thành cơn đại hồng thủy gần như nhấn chìm châu Âu trong năm 2015, phơi bày sự rối roạn trong quản lý khủng hoảng của tổ chức này.

Và tất cả khó khăn xuất hiện đúng vào thời điểm EU chia rẽ sâu sắc. Trong khi vết sẹo từ cuộc phân chia đẳng cấp giữa các nước chủ nợ và con nợ ở khu vực đồng euro sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008 vẫn chưa hết nhức nhối, thì một cuộc chiến mới giữa những người phản đối và ủng hộ tiến trình hội nhập lại manh nha với một loạt xu hướng ly khai. Sự chia rẽ nội bộ của EU càng trở nên trầm trọng hơn khi cùng lúc họ phải đối mặt với những khó khăn từ bên ngoài. Không thể thống nhất quan điểm về vấn đề nhập cư hay mức độ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự đã khiến EU mắc kẹt trong những rắc rối của mình.

Phá vỡ điều cấm kỵ

Đó là lý do khiến GS. Jean Pisani-Ferry, Trường Quản lý Hertie (Đức) và Science Po (Pháp), đề xuất ý tưởng “điên rồ” về về một cuộc đại tu cấu trúc cho châu Âu. Theo đó, Liên minh châu Âu vẫn sẽ có nền tảng chung bên cạnh những “câu lạc bộ” chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề khác nhau.

Nền tảng này sẽ bao gồm thị trường chung, liên minh thuế quan, các nguyên tắc sát sườn của EU, các thể chế giúp bảo vệ người tiêu dùng, duy trì khả năng cạnh tranh, quản lý các lĩnh vực nghiên cứu, năng lượng, khí hậu, cơ sở hạ tầng… Các chế định mang tính trụ cột như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Tòa án Công lý cũng như các nguyên tắc sáng lập của EU như nhân quyền, tự do, dân chủ, bình đằng và pháp quyền sẽ là một phần của nền tàng này. Tất cả tạo cho EU một khung thể chế chứ không phải khung chính sách.

Để giải quyết các vấn đề thực tiễn, EU sẽ có các câu lạc bộ với những thành viên khác nhau để giải quyết các vấn đề chính sách. Khi các thành viên cùng chia sẻ một mục tiêu, chẳng hạn về nhập cư, họ sẽ giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Chẳng hạn sẽ có một câu lạc bộ chịu trách nhiệm điều phối tài chính, giám sát ngân hàng cũng như giải quyết các cuộc khủng hoảng tiền tệ. Một câu lạc bộ khác chịu trách nhiệm về tỵ nạn, quản lý biên giới, hợp tác trong an ninh và tư pháp. Câu lạc bộ thứ ba có thể về quốc phòng và đối ngoại, với sự đóng góp thực sự về kinh phí hoạt động cũng như tham gia các hoạt động quân sự. Câu lạc bộ thứ tư có thể được phác thảo cho một lĩnh vực vẫn còn chưa định hình rõ nét chẳng hạn như giáo dục. Điều đó có nghĩa là các nước thành viên châu Âu có thể vẫn có thể chế chung, nhưng họ được lựa chọn tham gia một chính sách chung nào đó.

Sẽ cần có những điều khoản để bảo đảm cấu trúc này không trở nên lỏng lẻo. Đó là việc phải duy trì thể chế nền tảng bao gồm Ủy ban châu Âu (mặc dù sẽ có thể có Hội đồng Thư ký Câu lạc bộ), Nghị viện châu Âu và Tòa án Công lý. Ngoài ra, cần có những quy định chặt chẽ việc gia nhập hay rút lui khỏi câu lạc bộ để bảo đảm số thành viên ổn định.

Nhà nghiên cứu Jean Pisani-Ferry cho rằng, cách tiếp cận này bản thân nó không giúp ngăn cản nguy cơ giải thể EU, cũng như không thúc đẩy khả năng mở rộng Liên minh, nhưng sự linh hoạt trong liên kết và phối hợp chính sách sẽ giúp EU dễ dàng hơn trong giải quyết những thách thức đến từ bên ngoài. Bộ khung thể chế của EU sẽ cung cấp cơ sở vững chắc cho hợp tác với những “vòng tròn bè bạn”, nơi nước này có thể không tham gia đầy đủ vào thị trường chung hay khu vực tự do đi lại nhưng có thể tham gia giải quyết các vấn đề khác trong khuôn khổ câu lạc bộ mà họ là thành viên.

Có quá nguy hiểm không khi phá vỡ điều cấm kỵ, vốn là nguyên tắc tồn tại của EU? Câu trả lời tất nhiên là có. Nhưng điều còn nguy hiểm hơn, theo ông Pisani-Ferry, là nguy cơ EU sa lầy trong cấu trúc lỗi thời và không thắng nổi sự trì trệ của mình.

Quốc Đạt
Nguồn: daibieunhandan.vn