web analytics

Dự án Hạnh Phúc Xanh chung tay cùng cộng đồng trồng 10.000 cây bần 24/09/2019

(KDTT) – Mới đây, Dự án Hạnh Phúc Xanh (trực thuộc Quỹ Sống Foundation) phối hợp cùng TW Đoàn, UBND xã An Thạnh 3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, và người dân địa phương triển khai trồng 10.000 cây bần tại bãi bồi xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Trên tổng diện tích 4 héc – ta, rừng bần được trồng với mục đích gia tăng diện tích rừng; tạo hành lang chắn sóng để bảo vệ đê, giảm sạt lở; giảm tác hại của xâm nhập mặn và tạo điều kiện phát triển sinh kế dưới tán rừng cho người dân địa phương. 

Từ Nhà Chống Lũ đến Hạnh Phúc Xanh

Nhà Chống Lũ và Hạnh Phúc Xanh là hai chương trình phát triển cộng đồng lớn của Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Quỹ Sống). Nếu như chương trình Nhà Chống Lũ tập trung các giải pháp giúp cộng đồng ứng phó với thiên tai như xây nhà an toàn, thì chương trình Hạnh Phúc Xanh tập trung vào các giải pháp giảm thiểu tác động của thiên tai như: trồng rừng, trồng cây chức năng chắn sóng chắn gió. Ngoài mục tiêu gia tăng diện tích rừng, Hạnh Phúc Xanh còn đặt mục tiêu gia tăng mật độ cây xanh trong đô thị và tăng sự kết nối giữa con người và con người, con người với tự thiên. Chương trình Hạnh Phúc Xanh xây dựng tầm nhìn 70 năm tập trung trồng cây, gây rừng.

Hạnh Phúc Xanh bắt đầu triển khai vào năm 2018, cho đến nay đã trồng được 1.770 cây xanh trong đô thị tại Hà Nội; 5.100 cây dương liễu chắn sóng tại Hội An và vừa mới đây là 10.000 cây bần chua tại Cù Lao Dung. Từ đây đến cuối năm 2019, Hạnh Phúc Xanh dự kiến tiếp tục triển khai xây dựng 03 công viên Hạnh Phúc Xanh ở Sài Gòn, Hà Nội, Hội An và tiếp tục nghiên cứu, khảo sát các khu vực trồng rừng ngập mặn ở các tỉnh miền Tây và rừng đầu nguồn ở Kontum, Hà Tĩnh, Huế.

Triển khai thí điểm trồng rừng ngập mặn

Huyện Cù Lao Dung là một huyện đảo, bốn bề giáp với sông, biển là một trong những điểm chịu nhiều rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu của khu vực miền Tây. Trước đây khi các cánh rừng ngập mặn ven biển chưa được trồng và phát triển như bây giờ, hệ thống đê bao chưa xây dựng, người dân Cù Lao Dung thường xuyên trong tình trạng ngập lụt hay xói lở. Hiện nay, tình trạng ngập lụt đã hạn chế và xói lở đã giảm bớt, tuy nhiên vẫn còn một số điểm vẫn bị tác động. Mới đây, ngày 20/9/2019 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, trong đó một địa bàn thuộc huyện Cù Lao Dung. Trồng rừng ngập mặn sẽ giúp chắn sóng từ đó giảm sạt lở & xâm nhập mặn. Rừng đầu nguồn giúp giữ nước từ đó giảm hạn hán, và giảm nhẹ lũ.

Với nhu cầu thiết thực tại địa bàn, cộng với việc chương trình Nhà Chống Lũ đang triển khai hỗ trợ nhà an toàn và sinh kế nông nghiệp bền vững cho một cộng đồng làng tái định cư ở Cù Lao Dung, Quỹ Sống Foundation đã quyết định triển khai thí điểm dự án Hạnh Phúc Xanh trồng rừng ngập mặn tại đây, nhằm thiết lập mô hình hỗ trợ tổng thể gồm: rừng ngập mặn bảo vệ cộng đồng ở vùng ngoài, đến khu vực canh tác nông nghiệp quanh làng – giải pháp kinh tế ở vùng giữa và các hỗ trợ xây sửa nhà an toàn ở vùng lõi.

Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND Xã An Thạnh 3 và Chi Cục Kiểm Lâm Tỉnh Sóc Trăng, Dự án Hạnh Phúc Xanh đã được phép triển khai trồng rừng ngập mặn thí điểm với 10.000 cây trên diện tích 4 hec-ta tại xã An Thạnh 3, là vùng bãi bồi nơi cửa sông đổ ra biển Đông. Sau 2 tháng nỗ lực triển khai, từ việc chọn cây giống, theo dõi thời tiết, cùng cơ quan kiểm lâm và người dân địa phương thống nhất kỹ thuật sao cho cây đạt mức sinh trưởng tốt nhất, ngày 18/9, những công tác trồng rừng cuối cùng cũng được tiến hành.

Tham gia hoạt động trồng rừng ngày 18/9 bao gồm Hạnh Phúc Xanh, các đoàn viên thanh niên, Chi cục kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, Hạt kiểm lâm, đơn vị đồng hành FPT Software, các bạn tình nguyện viên đến từ Cần Thơ, An Giang và nhóm nhân công trồng rừng là người dân địa phương chuyên trồng rừng ngập mặn. Việc trồng bần ở khu vực cửa biển này đòi hỏi nhiều sức khỏe và kỹ năng. Các bạn tham gia tình nguyện sẽ phụ giúp các việc đơn giản như cột dây cho cây vào cọc giữ chắn gió, còn việc trồng và cắm cọc phải được thực hiện bởi đội nhân công trồng rừng và các cán bộ kiểm lâm để đảm bảo cây được trồng đúng kỹ thuật.

Đội nhân công trồng rừng phụ trách trồng 10.000 cây bần là người dân sinh sống tại địa phương, ban đầu là nhóm Đồng quản lý bảo vệ rừng được thành lập vào năm 2007 để bảo vệ rừng, quản lý khai thác rừng bền vững. Sau nhiều năm vừa bảo vệ rừng, vừa học cách trồng rừng, rồi dần được nhà nước, các tổ chức giao khoán trồng và bảo vệ rừng, nhóm đồng quản lý này trở thành một nhóm “chuyên gia” trồng rừng ngập mặn tại khu vực. Việc thay vì lựa chọn các nhóm nhân công trồng cây hợp đồng từ nơi khác tới thông qua các công ty cung cấp cây giống, Hạnh Phúc Xanh chọn và kêu gọi nhóm nhân công tại địa phương tham gia thực hiện trồng, bởi họ là những người hiểu rất rõ vùng đất này từ địa hình cho đến con nước thậm chí thói quen sinh hoạt, khai thác rừng của người dân tác động đến vị trí trồng như thế nào để thiết kế và thi công trồng. Ngoài ra, họ là người dân địa phương, việc giám sát bảo vệ sẽ được tiến hành thuận lợi. Đặc biệt, khi cánh rừng được trồng bởi chính người dân, họ sẽ nỗ lực bảo vệ và giữ gìn hơn rất nhiều.

Lựa chọn mô hình gây quỹ từ cộng đồng

Để có được ngân sách triển khai dự án trồng 10.000 cây bần tại Cù Lao Dung, Hạnh Phúc Xanh đã triển khai chiến dịch gây quỹ từ cộng đồng  “Chỉ 50.000đ/ cây, hãy trồng một cây cho rừng bần Sóc Trăng”. 50.000đ là kinh phí để trồng và chăm sóc 1 cây bần trong vòng 4 năm. Chiến dịch gây quỹ đã hoàn thành sớm hơn dự kiến, nhận được 926 lượt ủng hộ từ các tài khoản cá nhân và các công ty như FPT Software, Alphanam Green Foundation, Hallowed Homeschool, PT Eco, LUZI AG (Thụy Sỹ). Chi tiết tất cả các khoản đóng góp đã được thông báo minh bạch trên fanpage chính thức của Dự Án Hạnh Phúc Xanh và Quỹ Sống Foundation. Điều này đồng nghĩa với việc Hạnh Phúc Xanh sẽ nhận được sự giám sát của tối thiểu 926 cá nhân/ đơn vị trong suốt quá trình triển khai dự án.

Theo KDPT