web analytics

Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam: Bộ GTVT trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. 05/04/2019

(KDTT) – Mới đây, tại trụ sở Ban Kinh tế Trung ương , Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì buổi họp nghe Bộ GTVT trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Báo giao thông)

Cùng dự, về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lãnh đạo Cục Đường sắt VN, TCT Đường sắt VN, Ban QLDA Đường sắt, TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI)…và đại diện nhiều cơ quan chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương; Bộ KHCN; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch đầu tư; Bộ TNMT; Bộ Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước VN.

Tại buổi làm việc, đại diện cơ quan Tư vấn thiết kế cho biết, dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai hành lang Bắc – Nam sẽ thiếu hụt lớn về năng lực vận tải, nếu đầu tư các phương thức giao thông khác như đường bộ, hàng không hay đường biển đồng thời nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại theo quy hoạch thì cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Vì vậy cần phải có một loại hình vận tải mới, sức chuyên chở lớn để bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên”, đại diện cơ quan Tư vấn khẳng định, đồng thời cho biết thêm, với các ưu điểm về năng lực vận chuyển, tốc độ, mức độ an toàn thân thiện với môi trường, khả năng phát triển hài hoà bền vững giữa các phương tiện vận tải cũng như việc phân bố lại nhu cầu vận tải, khả năng tái cấu trúc dân cư, lao động trên tuyến Bắc Nam…cho thấy việc phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao Bắc – Nam là phù hợp.

Dự án có điểm đầu là ga Hà Nội điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM); qua 20 tỉnh, thành phố. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1559 km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi khổ 1435- điện khí hoá; bao gồm: 24 ga và 03 ga quy hoạch tiềm năng, 05 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Ngay sau khi nghe đại diện TEDI trình bày báo cáo, các đại biểu đại diện các cơ quan của Ban Kinh tế Trung ương cũng như các bộ, ngành đã tập trung chất vấn, thảo luận và nghe giải trình nhiều nội dung xung quanh Dự án.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực như đối với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc hay sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành và lĩnh vực khác, công tác đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Tổng mức đầu tư; Chi phí vận hành bảo dưỡng; Tiến độ, thời hạn thực hiện hợp đồng…

Để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam cần hơn 50 tỷ USD vốn đầu tư. (Ảnh: minh họa)

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ghi nhận Bộ GTVT có nhiều nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các đề xuất quan trọng để phát triển GTVT, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa khẳng định, đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia và cần phải tập trung phát triển nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH. Đây là Dự án có tính lan toả, phục vụ phát triển KTXH, góp phần tái cấu trúc đô thị, lao động trên hành lang Bắc – Nam; hướng tới mô hình giao thông tiên tiến, hiện đại.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thống nhất chỉ đạo các đơn vị tham mưu, tổ công tác của hai cơ quan khẩn trương hoàn thành để trình Bộ Chính trị báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27 ngày 17/9/2018 của Bộ Chính về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam và đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Duy Lộc
Theo KDPT