web analytics

Dòng vốn FDI: Không tạo sóng, lấy gì để đón? 21/08/2020

(KDTT) – Từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, tiếp đến đại dịch Covid-19 được cho là do Trung quốc gây ra, các quốc gia và vùng lãnh thổ mất niềm tin vào Chính phủ Trung quốc. Thương hiệu “Made in China” đã và đang trở thành quá khứ, không còn chi phối 80% người tiêu dùng trên thế giới.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư từ công xưởng lớn nhất thế giới “Trung Hoa đại lục” sang các khu vực Châu Á và trở về Cố Quốc mạnh hơn lúc nào hết. Trong đó có các tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật, Singapore rút dần và tìm kiếm cơ hội đầu tư sang Đông Nam Á (Asian).

Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đã sẵn sàng đón dòng vốn FDI cực kỳ quan trọng trong thời điểm người khôn của khó này. Việt Nam chúng ta cũng đã và đang sẵn sàng để chào đón các nhà đầu tư mới từ Trung Quốc dịch chuyển sang.

Trong các cuộc họp quan trọng của Chính phủ cũng như các cơ quan quyền lực cao nhất đã có những chỉ đạo cụ thể, xuyên suốt cho các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá và mời chào, rải thảm đỏ “đón chào” dòng vốn FDI.

Đến nay, đã sang quý IV năm 2020. Chúng ta ngậm ngùi nhận thấy, chưa có làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian vừa qua. Buồn hơn nữa là những nhà đầu tư đã đầu tư tại Việt Nam, có kế hoạch, đã đăng ký “đổ” thêm tiền, công nghệ, thiết bị … mở rộng sản xuất lại chững lại và có ý muốn tìm thị trường khác.

Ảnh minh họa.

Vấn đề đặt ra và giải pháp nào để thực hiện được mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các nghị định, nghị quyết, chỉ thị và quyết định ban hành liên tục trong thời gian qua, nhưng tại sao không có hiệu quả?

Nhớ lại cách đây gần 10 năm, một vị lãnh đạo có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân đã phải thốt lên trong nghị trường với nội dung câu nói: “chúng ta lỗi hệ thống”. Ngày ấy, người xem, nghe được câu nói này vô cùng vui và phấn khởi. Bởi lẽ người đứng đầu cơ quan lập pháp đã nhìn nhận đúng thực tế của xã hội, thực tế của nhiều lĩnh vực đang diễn ra không như mong muốn.

Muốn có làn sóng đầu tư mới, mặc nhiên chúng ta phải tạo được sóng mới, sóng mới là chính sách, là thủ tục hành chính, là cơ chế do chính con người tạo ra, người đó chính là giai cấp công quyền, là bộ máy của Nhà nước…Nên chính họ buộc phải thay đổi, buộc phải tạo thuận lợi và thông thoáng hơn.

Chỉ thông thoáng và hô hào trên báo chí, truyền hình là không đủ. Doanh nghiệp và người dân họ có nghĩa vụ và được thừa hưởng quyền lợi từ chính sách, chắc chắn rằng họ hiểu sâu và rõ ràng hơn ai hết.

Nhà đầu tư đã nhận thấy, chính sách ngày càng có nhiều thủ tục, nhiều cơ quan tham gia, cho ý kiến để xem xét, chấp thuận. Lạ thay, chính sách của Việt Nam luôn ngược với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Quản lý chặt đầu vào bằng các thủ tục hành chính, buông lỏng đầu ra khi đã cấp phép. Dẫn đến các “ chim đại bàng” và “chim sẻ, chim sâu” chưa kịp làm tổ đã gãy cánh vì thủ tục nhiêu khê, phức tạp.

Vài năm trước chỉ có 5-6 đơn vị thẩm định một dự án đã mất 2-3 năm mới xong. Ngày nay có đến 10-12 đơn vị xem xét, cho ý kiến, thẩm định một dự án, có lẽ thời gian được nhân đôi. Hành trình để được đầu tư, để được sản xuất tạo công ăn việc làm cho người lao động, bình ổn an sinh xã hội càng lắm gian nan, vất vả. Thử hỏi nhà đầu tư lấy đâu ra thời gian, tiền bạc để đi gặp gỡ, chào hỏi và giải trình với các đơn vị có quyền tham gia, cho ý kiến “quý báu” vào dự án.

Nhớ lại hai tháng trước, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đã phải thốt lên đại ý rằng: “Xây dựng chính sách, cơ chế cho các nhà đầu tư mà chỉ mang lại lợi cho Nhà nước và cơ quan quản lý thì nhà đầu tư chỉ có quyền từ chối đầu tư” hàm ý của câu nói này sẽ và luôn đúng với thực tế của Việt Nam nếu chúng ta không muốn và không chịu thay đổi.

Hôm qua, Thường trực Chính phủ họp để bàn về chính sách phát triển chung của Việt Nam trong 5 năm tới. Trong đó có chính sách đầu tư trong nước và nước ngoài. Hy vọng và mong mỏi các nhà hoạch định chính sách “vừa hồng, vừa chuyên” có hiểu biết thực tế trong nước và quốc tế, khách quan, có tầm nhìn vừa rộng, vừa xa, ổn định lâu dài.

Đảng và Chính phủ cần lắm một chính sách, một cơ chế tốt, phù hợp với khu vực và thế giới. Bảo đảm nguyên tắc thông thoáng: có lợi cho nhà đầu tư, có lợi cho cộng đồng xã hội, sau mới nghĩ đến có lợi cho Nhà nước. Bác Hồ đã dạy “dân giàu, nước mạnh”, câu nói này luôn đúng và phù hợp với mọi thời đại.

NGUYỄN HOÀI BẮC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo KDPT