web analytics

Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường liên kết để phát triển bền vững 07/09/2020

(KDTT) – Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây và vựa thủy sản của cả nước, hàng năm đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Thế nhưng, ĐBSCL lại là vùng trũng về giáo dục, y tế, yếu kém về hạ tầng giao thông, nền nông nghiệp đang chậm phát triển và có nguy cơ tụt hậu; tình trạng nhiều mặt hàng nông sản thường xuyên rớt giá khiến đời sống người dân gặp khó. Một trong những hạn chế lâu nay ở ĐBSCL là sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết với nhau. Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL và sẵn sàng cho thời kỳ hội nhập thì vấn đề liên kết vùng nhằm tăng nội lực, tăng sức mạnh cạnh tranh đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp.

Thua thiệt vì “mạnh ai nấy làm”

Trước đây, Tiền Giang là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về số lượng đàn lợn với mức bình quân mỗi năm khoảng gần 800 nghìn con, có năm cao điểm số lượng đàn tăng lên đến 900 nghìn con. Hiện, toàn tỉnh có hơn 43 nghìn cơ sở chăn nuôi lợn, trong đó hộ gia đình chiếm tỷ lệ hơn 94%, cơ sở nuôi quy mô từ 50 con trở lên chiếm gần 6%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, dù số hộ nuôi lợn ở tỉnh rất nhiều và lượng đàn lớn, nhưng phần lớn là nuôi theo kiểu “ mạnh ai nấy làm ” thiếu sự liên kết giữa người nuôi với nhau và giữa người nuôi với doanh nghiệp, nên khi gặp lúc dịch bệnh, rớt giá thì việc tiêu thụ vô cùng khó khăn.

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Nông dân trong tỉnh làm nghề nuôi lợn rất lâu và số lượng đàn cũng khá nhiều, với khoảng 370 nghìn con/năm. Tuy nhiên, hạn chế tồn tại vẫn là thiếu liên kết ngay tại địa phương cũng như giữa các tỉnh với nhau, từ đó khi gặp khủng hoảng thừa đàn, giá rớt thì người chăn nuôi chịu thua thiệt đầu tiên”.

Trang trại lợn Dư Hoài huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng.

Tương tự, nhiều nông dân trồng thanh long cũng luôn phập phồng về khâu tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Đời, ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho rằng: “Có lúc thanh long ruột đỏ giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 10.000 – 15.000 đồng/kg giúp nông dân lời đậm, nhưng nay giá thanh long ruột đỏ giảm xuống còn 8.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng chỉ 4.000 – 6.000 đồng/kg, khiến nông dân lo lắng, đứng ngồi không yên. Vấn đề là lâu nay nông dân Tiền Giang và Long An trồng thanh long nhiều nhất vùng ĐBSCL, nhưng không ai liên kết với ai, trong khi hiện tại một số tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh… nông dân lại đổ xô vào trồng thanh long. Ai ai cũng đua nhau trồng nhưng không liên kết, không kiểm soát được diện tích, sản lượng thì sẽ rất khó trong tiêu thụ”.

Cũng ở ĐBSCL, trong khi người nông dân đóng góp rất nhiều công sức của mình để đưa Việt Nam trở thành và giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng họ luôn bị đe dọa bởi tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá, hết hàng”; việc bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và xây dựng thương hiệu gạo còn nhiều hạn chế, nhất là khâu xay xát, lưu trữ gạo trước khi đưa ra thị trường; thời tiết, dịch bệnh…luôn là nỗi lo thường trực của nông dân.

ĐBSCL là vùng nuôi thủy sản lớn nhất nước với diện tích chiếm 70%, 58% sản lượng, riêng con tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Song, hầu hết các tỉnh ven biển không có sự liên kết với nhau từ nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch… nên con tôm cứ mãi lận đận. Câu chuyện con tôm bị dịch bệnh hoành hành vẫn thường xảy ra bởi hàng loạt bất cập về thủy lợi yếu kém, con giống, thức ăn, môi trường ô nhiễm… chưa được tháo gỡ.

Trang trại nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Ân huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng.

Tìm tiếng nói chung từ các tiểu vùng

TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng: “Hơn chục năm nay ĐBSCL rơi vào dạng tụt hậu bởi các mô hình sản xuất chậm đổi mới. Đáng lo ngại là tình trạng “mạnh ai, nấy làm” đã dẫn đến cạnh tranh nội bộ, tranh mua, tranh bán, tranh nhau thu hút đầu tư… thậm chí có trường hợp triệt hạ nhau không đáng có. Nguyên nhân cũng vì thiếu sự liên kết”. Cùng băn khoăn trên, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL bức xúc: “Ai cũng biết cá tra là sản vật trời ban tặng cho vùng sông nước ĐBSCL, là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trên thế giới. Thế nhưng, do không có sự liên kết giữa các địa phương trong quy hoạch và phát triển, người nuôi và doanh nghiệp thiếu hợp tác, các nhà máy cạnh tranh tiêu cực hạ giá bán – chế biến sản phẩm kém chất lượng… từ đó đẩy cá tra vào cảnh lên xuống thất thường trong nhiều năm qua”.

TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, nhận định: “ĐBSCL có nhiều loại trái cây ngon, nhất là bưởi da xanh đang được thị trường quốc tế ưa chuộng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nước ngoài đặt điều kiện để nhập khẩu trái cây với số lượng lớn, quanh năm, độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc… thì nhiều địa phương ở ĐBSCL không “dám nhận”, bởi các tỉnh chưa có sự liên kết trong quy hoạch, sản xuất, thời vụ thu hoạch… Vì vậy, chưa thể bảo đảm được số lượng và chất lượng trái cây để cung ứng dài hạn cho đối tác”.

Thanh long được trồng ồ ạt ở Long AN nhưng do thiếu liên kết nên độ rủi ro cao.

Từ những bất cập trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng đẩy mạnh việc triển khai liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Gần đây, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành TW và gặp gỡ trao đổi với các tỉnh, bàn về giải pháp liên kết vùng và liên kết tiểu vùng ở ĐBSCL. Theo Bộ NN&PTNT, vùng Bán đảo Cà Mau rộng 1,6 triệu ha gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và một phần Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, diện tích tôm sú của Bán đảo Cà Mau khoảng 486.000 ha với sản lượng hơn 215.000 tấn. Riêng tôm thẻ chân trắng của vùng này chiếm tới 66% về diện tích và 61% về sản lượng của toàn vùng ĐBSCL. Thế mạnh về thủy sản của Bán đảo Cà Mau là rất lớn, nhưng do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, triều của biển Đông và biển Tây, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, chưa có sự liên kết chặt chẽ… khiến việc sản xuất bị ảnh hưởng.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Các tỉnh ở Bán đảo Cà Mau đều lấy con tôm là kinh tế chính và xây dựng quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, việc đầu tư về con giống, công nghệ mới, chế biến… còn hạn chế, trong đó, lo ngại nhất là xử lý ô nhiễm và kiểm soát dịch bệnh còn lắm gian nan”. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nếu nhìn tổng thể có thể thấy, việc thiếu liên kết dẫn đến xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất và kinh doanh ở vùng này; vấn đề quản lý chất lượng nông thủy sản cũng gặp không ít khó khan, đặc biệt là thế mạnh của vùng chưa được phát huy tốt nhất. Những hạn chế này cần sớm được tháo gỡ nhằm thúc đẩy việc sản xuất toàn vùng phát triển.

Ngư dân bán đảo Cà Mau thu hoạch tôm.

Đối với tiểu vùng sông Tiền, sông Hậu gồm 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang được Bộ NN&PTNT xác định thế mạnh về cây ăn trái, thủy sản và cây lúa. Đây là tiểu vùng ven biển cần liên kết để tạo ra lợi thế kinh tế, cân đối lợi ích giữa các tỉnh, hướng đến sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: “Việc liên kết giữa 4 tỉnh này cũng như toàn vùng ĐBSCL thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa ngang tầm với việc khai thác tiềm năng của vùng. Bến Tre xác định cây ăn trái, cây dừa và con tôm là thế mạnh phát triển. Vì vậy rất mong thiết lập sự liên kết với các tỉnh, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới sự bền vững trong thời gian tới”.

Cũng băn khoăn về liên kết vùng, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và một phần của Hậu Giang là một trong những nơi sản xuất lúa gạo trọng điểm của ĐBSCL. Song, hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc sản xuất còn nhỏ lẻ, dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, thiếu sự liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng. Việc khai thác và sử dụng nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự can thiệp của các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mê Công cũng là lo ngại cho tiểu vùng này. Do đó, cần có sự liên kết trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách tốt nhất”.

Các nhà khoa học lưu ý, vùng Tứ giác Long Xuyên có lợi thế khi làm lúa ba vụ. Tuy nhiên, do các tỉnh xây dựng đê bao khép kín để ngăn lũ nhằm sản xuất lúa vụ 3 đã khiến cho việc chứa nước bị ảnh hưởng, gây ra thiếu phù sa, gia tăng chi phí sản xuất và tác động việc gia tăng xâm nhập mặn. Việc này các tỉnh cần ngồi lại, tính toán hợp lý trong việc phân chia sản xuất một cách phù hợp nhất. GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, cần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở vùng này. Ngay cả một số nơi bị nhiễm phèn mặn thì ngành chức năng nên tính toán, tạo ra thu nhập cho nông dân bằng cách hỗ trợ điều kiện để trồng cỏ nuôi bò sẽ hiệu quả hơn trồng lúa, đồng thời tránh được xây dựng các công trình ngăn mặn tốn kém lớn về chi phí.

Vườn cam sành ở xã Ba Trinh huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng.

Hiệu ứng từ Đồng Tháp Mười

Trong lúc các địa phương vẫn loay hoay bàn giải pháp liên kết vùng thì đến nay chỉ có tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An tìm được tiếng nói chung và chính thức ký liên kết vào tháng 9/2016. Theo đó, 3 tỉnh này có nhiều điểm tương đồng về sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên… Tuy nhiên chưa quản lý tốt việc khai thác tài nguyên, chuỗi giá trị hàng nông sản bị đứt đoạn, sản phẩm thiếu thương hiệu và uy tín trên thương trường quốc tế. Do đó, việc 3 tỉnh liên kết nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đồng thời thống nhất về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quản lý tài nguyên bền vững trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập.

GS. TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề xuất, việc liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười cũng nhằm khắc phục những hạn chế về tài nguyên nước ngày càng khan hiếm, sử dụng đất kém hiệu quả… Bên cạnh đó, nên đi sâu vào các chương trình như sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát triển cây ăn trái, thủy sản, chương trình trồng rừng tràm, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển du lịch sinh thái…

Sản xuất tôm đông ở công ty chế biến thủy sản Sao Ta (Sóc Trăng).

Theo Viện Nghiên cứu ĐBSCL (thuộc trường Đại học Cần Thơ), nền kinh tế thị trường chỉ có liên kết mới giảm được chi phí giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng. Nhà nước tiến hành quy hoạch, quản lý chất lượng bằng thương hiệu và tiêu chuẩn hóa sản phẩm; nhà khoa học làm nhiệm vụ nhân giống mới, chuyển giao công nghệ, hạ chi phí giá thành; nhà nông thì tăng cường sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp; doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ và kết nối với nông dân để xây dựng vùng sản xuất lớn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mọi sự liên kết đều xuất phát từ lợi ích chung của các bên tham gia và một khi lợi ích này được phân chia hợp lý thì mới bền vững. Trong khi đề án liên kết vùng ĐBSCL với 13 tỉnh thành chậm thực hiện, thì việc liên kết “tiểu vùng” như Đồng Tháp Mười được cho là hướng đi tích cực, sát thực tế, sát với nhu cầu bức thiết của từng tỉnh. Một khi liên kết “tiểu vùng” làm tốt thì việc “liên kết vùng” sẽ dễ thực hiện hơn.

Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Đồng Tháp lựa chọn nhà thầu xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế./.

Ngày 06/04/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 593/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Mục đích liên kết nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương trong vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, có ba vấn đề liên kết: Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của vùng ( lúa gạo, thủy sản, trái cây ), bảo đảm cung – cầu, tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với lợi thế cạnh tranh nhất; liên kết phát triển hạ tầng giao thông và liên kết phát triển hạ tầng thủy lợi. ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước được Chính phủ ký Quyết định liên kết này. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả việc triển khai thực hiện chưa được như mong muốn. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện Quyết định 593/QĐ-TTg của Chính phủ về liên kết vùng ĐBSCL, trong đó việc liên kết của từng tỉnh, từng tiểu vùng phải đảm bảo tổng thể của cái chung. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm thực hiện về cập nhật bản đồ biến đổi khí hậu, bản đồ nước ngầm; Bộ NN&PTNT quan tâm phát triển chuỗi giá trị chủ lực cho vùng gồm tôm, cá tra, lúa gạo và trái cây; quan tâm phát triển HTX kiểu mới… Trong chức năng, nhiệm vụ được giao, các tỉnh, thành trong khu vực phải làm tốt vai trò tham mưu với các cấp Trung ương để cùng tập hợp sức mạnh đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững .

                                                                  Bài và ảnh : ĐỖ NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT