web analytics

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hiểm họa sụt lún, sạt lở 18/09/2020

(KDTT) – Một cảnh báo về thực trạng mang tính “sống còn” với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về khu vực này đưa ra: ĐBSCL “đang chìm”, đất đang sụp lún mỗi năm, lượng phù sa giảm nghiêm trọng. Mặc dù, trong hai năm gần đây, Chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ đồng để ĐBSCL khắc phục và làm đê kè chống sạt lở, nhưng tình trạng sạt lở, sụt lún tại khu vực này vẫn diễn ra ngày một nghiêm trọng, các địa phương vẫn liên tục “khát vốn” trong việc khắc phục thiên tai.

Nhiều vụ sạt lở ở vùng ĐBSCL đã cắt đứt nhiều đoạn giao thông huyết mạch.

Sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Theo số liệu thống kê, khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch) và sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.

Trong số các điểm sạt lở nêu trên, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, tổng chiều dài 170 km, bao gồm bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85 km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85 km.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, liên tục xuất hiện thông tin về tình hình tuyến đê Biển Tây ở Cà Mau bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. “Tuyến đê Biển Tây này có vị trí quan trọng, bảo vệ cho hoạt động sản xuất bên trong của người dân, đa số là nuôi tôm. Khoảng mười mấy năm trước, vạt rừng phòng hộ trước tuyến đê còn rất nhiều, nay thì rừng bị mất gần hết. Thấy đê biển bị sạt lở, trong xóm rất lo sợ, vì mình như “đặt cược” trước biển”, ông Lý Văn Chiên, người dân xã Khánh Tiến (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), tâm sự. Nỗi niềm của ông Chiến cũng là nỗi lo của nhiều gia đình ở huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh sống cặp theo tuyến đê Biển Tây Cà Mau dài khoảng 108 km. Ngoài vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh, tuyến đê này còn có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ hơn 26.000 hộ dân với gần 129.000 ha đất sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, đặc biệt khu vực rừng tràm U Minh Hạ.

Cà Mau là tỉnh có ba mặt giáp biển, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254 km, phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển và có đến 87 cửa sông thông ra biển. Đầu mùa khô 2020, hàng loạt vụ sạt lở, sụt lún xảy ra trên địa bàn Cà Mau đến nay chưa khắc phục hết hậu quả.

Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu đã xảy ra tại 18 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, TP với tổng chiều dài sạt lở 28,3 km, diện tích sạt lở 6,41 ha. Không chỉ bờ sông, sạt lở nội đồng cũng đang diễn ra ngày càng nhiều..

Nằm dọc sông Hậu, TP Cần Thơ cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sạt lở. Năm 2019, trên địa bàn TP xảy ra 25 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 25 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 618 m với tổng thiệt hại ước tính trên 14 tỷ đồng. Riêng trong tháng 1/2020, trên địa bàn xảy ra năm vụ sạt lở làm sạt hoàn toàn 01 căn nhà và 04 căn nhà khác bị ảnh hưởng, hư hại đường giao thông. Ngày 7/3, vụ sạt lở ven cạnh chợ nổi Cái Răng làm 05 căn nhà bị ảnh hưởng, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp.

Tại Sóc Trăng (địa phương nằm hạ nguồn sông Hậu) cũng là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ sông, tần suất sạt lở bờ biển xuất hiện ngày càng nhiều và không theo quy luật tự nhiên. Trước diễn biến sạt lở phức tạp, tỉnh Sóc Trăng đã công bố sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm đoạn từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa và Vĩnh Tân (thị xã  Vĩnh Châu). Đồng thời, tỉnh yêu cầu đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất, triển khai khẩn cấp kè ngầm giảm sóng đánh vào thân đê; có biện pháp bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện chỉ còn 10-20 m và tạo bãi bồi, trồng tái tạo rừng phòng hộ, hạn chế sạt lở.

Còn tại Bến Tre, hiện có 112 điểm sạt lở, trong đó sạt lở bờ biển có tám điểm tại các huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) với chiều dài 19 km. Theo ngành chức năng, sạt lở đã lấn sâu vào đất liền trung bình hằng năm khoảng 10-15 m, làm mất trên 120 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển. Dự báo các khu vực trên sẽ tiếp tục sạt lở, xâm thực sâu vào khu vực dân đang sinh sống.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “ĐBSCL đang đối diện với các thách thức: Phát triển thiếu bền vững và tác động của các đập thủy điện trên dòng Mekong. Trong đó tác động nghiêm trọng và cần ứng phó cấp bách nhất hiện nay là sạt lở và sự sụt lún đất. Quá trình “đồng bằng đang bị chìm” là rất đáng lo cùng với nước biển dâng”.

ĐBSCL lâu nay được bồi đắp từ phù sa theo dòng Mekong, tuy nhiên, phần lớn lượng phù sa hiện nay nằm lại các đập thủy điện. Trong gần 10 năm trở lại đây, ĐBSCL lũ luôn ở mức thấp. Mùa lũ năm 2020, lũ về muộn và nguồn nước từ dòng Mekong đổ về không đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân lý giải những bãi bồi hàng năm ở Cà Mau biến mất và tình trạng sạt lở, sụt lún ngày càng gia tăng khốc liệt. Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai: ĐBSCL hiện có trên 500 điểm sạt lở kéo dài ở 520 km bờ sông, trên 50 điểm sạt lở dọc theo chiều dài 266 km bờ biển. Trong đó, gần 100 điểm sạt lở bờ sông và bờ biển nguy hiểm. Ít nhất diện tích rừng ĐBSCL đã mất hơn 28.000 ha trong gần 20 năm qua.

Vụ sạt lở nghiêm trọng ở An Giang.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sạt lở theo quy luật thường xảy ra ở các đoạn sông cong, cửa phân lưu, nhập lưu, các cửa sông phân lạch là nơi dòng chảy không ổn định, vận tốc dòng chảy lớn hơn sức chịu của bùn cát lòng sông.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho rằng, sạt lở hiện nay dường như không tuân theo quy luật tự nhiên, bất kể mùa mưa, mùa khô và địa phương nào cũng có thể xảy ra sạt lở.

Hai nguyên nhân chính hiện nay gây sạt lở, sụt lún là do: Thiên tai và nhân tai. Trong bối cảnh nguồn phù sa từ dòng Mekong ngày càng “rơi rụng” ở các đập thủy điện, các địa phương, nhà khoa học cần có nghiên cứu đưa ra biện pháp chế tài nghiêm túc về việc hạn chế khai thác cát ở các lòng sông. Đồng thời, các địa phương cần tính toán hạn chế, tiến tới cấm khai thác mạch nước ngầm để tránh tình trạng sụt lún đất. Đây được xem là giải pháp khả thi ít tốn kém và “thuận thiên” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 120/NQ-CP

Trong 2 năm gần đây, dù Chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ đồng để ĐBSCL khắc phục và làm đê kè chống sạt lở nhưng các địa phương vẫn “khát vốn”. Cụ thể năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ, xin hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở, di dời dân vùng sạt lở cấp bách… với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Tình trạng “xin vốn” khắc phục sạt lở, sụt lún cũng diễn ra tương tự ở nhiều địa phương trong vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra: “Tình trạng sụt lún, nguyên nhân lớn nhất là do khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL. Như vậy, để giải quyết vấn đề sụp lún sẽ không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề”. Các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ một phần diện tích bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn nước biển trong 30 năm tới. Nếu không sớm kiểm soát và quản lý hiệu quả việc khai thác nước ngầm, tình trạng sụt lún ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất, nước ngầm càng trầm trọng hơn trong bối cảnh lún sụt nhanh hơn ở bán đảo Cà Mau.

Tại An Giang, Cần Thơ, một số điểm sạt lở ven sông Hậu, địa phương phải mời các chuyên gia nghiên cứu về lòng sông và đưa ra các giải pháp khắc phục. Hiện ĐBSCL cũng đang thực hiện để tìm giải pháp hữu hiệu từ mô hình kè sinh thái – trồng cây ven sông. Và các giải pháp chống sạt lở làm bờ kè, kè giảm sóng. Hiện các đô thị lớn ở ĐBSCL nằm ven sông đều thực hiện giải pháp làm bờ kè. Giải pháp này cần kinh phí xây dựng rất lớn. Quan điểm xử lý hiện nay được nhiều địa phương sử dụng là từng bước di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế việc cất nhà ven sông.

MINH LONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT